Mới đây, hơn 50 hội viên Hội điện ảnh gồm các nghệ sĩ tên tuổi thuộc các thế hệ, các nhà quản lý đương nhiệm hoặc đã về hưu đã đến Đồng Mô tham dự một hội nghị hiến kế cứu ngành điện ảnh sau vụ thất thoát 42 tỷ vừa qua. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã thay mặt Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến để báo cáo lại với lãnh đạo Bộ. Nhiều ý kiến thẳng thắn đã chỉ rõ thực trạng “xuống dốc” của điện ảnh quốc doanh. Các ý kiến cũng tập trung trả lời câu hỏi: Vì sao nhà nước đầu tư không ít tiền cho điện ảnh quốc doanh mà thực trạng của ngành lại thê thảm như vậy? Đó là do tình trạng bất cập mâu thuẫn trong quản lý, dẫn đến nghệ sĩ bị rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”- bị duyệt theo định hướng giáo dục nhưng lại bị đánh giá theo doanh thu; Do tình trạng rời rạc, manh mún, thiếu những mô hình tổ chức gắn kết toàn ngành. Đó còn là do tình trạng các cấp quản lý thiếu quan tâm, năng động, không chủ động tích cực trong việc tiếp thu và xử lý những vấn đề của ngành mà các cuộc Hội nghị, hội thảo hai thập kỷ qua đã đặt ra, không thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tài sản công khi để cho Hãng phim truyện VN không có sổ đỏ trên mảnh đất ở số 4 Thụy Khuê hơn nửa thế kỷ qua. Các đại biểu cũng đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch các giải pháp cụ thể như thành lập Tập đoàn điện ảnh quốc gia, cổ phần hóa các Hãng phim nhà nước, tạo điều kiện pháp lý cho Hãng phim Nhà nước góp vốn cổ phần hóa bằng đất đai, nhà xưởng và thiết bị.
Diệu Yến