Chỉ 1 trong 10 trẻ gái ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được vắcxin HPV
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, trong bài phát biểu khai mặc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, sự hiện diện của Quý đại biểu tham dự diễn đàn ngày hôm nay thể hiện những cam kết bền chặt của 21 nền kinh tế APEC trong việc tăng cường hợp tác y tế nhằm mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là giảm gánh nặng do HPV và ung thư cổ tử cung gây ra.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Viện ung thư Hoa Kỳ và Bệnh viện K đã cùng đồng hành tổ chức phiên Đối thoại chính sách này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại diễn đàn
Từ năm 2011, APEC đã xây dựng kế hoạch hành động đối với bệnh không lây nhiễm nhằm đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của những căn bệnh này. Ngay khi APEC bắt đầu triển khai kế hoạch hành động này, phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung đã trở thành một trong những chiến lược có ảnh hưởng đáng kể đối với các quốc gia đang phát triển.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ tiêm phòng vắcxin HPV và được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Mặc dù vậy, mỗi năm có khoảng 528 000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và hơn 260 000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. 90% những phụ nữ này sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
“Hiện nay chỉ 1 trong 10 trẻ gái ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được vắcxin HPV, trong khi con số này là 9 trên 10 trẻ ở các quốc gia thu nhập cao. Những chiến lược kiểm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả cần xuyên suốt từ dự phòng ban đầu, sàng lọc phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 trong số ca mắc ung thư của nữ giới Việt Nam
Tại Việt Nam, theo số liệu ghi nhận ung thư cho thấy, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 4 về số ca mắc mới và thứ 6 về số ca tử vong do ung thư ở nữ giới. Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã có những chiến lược đa dạng trong tiến trình đẩy lùi HPV và giảm gánh nặng ung thư cổ tử cung.
Về dự phòng ban đầu, dự án thử nghiệm với sự hỗ trợ của GAVI (Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng) đã cung cấp vắcxin HPV cho 6.000 trẻ gái từ năm 2008 đến năm 2010, kết hợp với chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền về dự phòng và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung trên các chương trình truyền hình quốc gia. Công tác sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung cũng được đưa vào Kế hoạch hành động quốc gia về Sức khỏe sinh sản từ năm 2011 và Chương trình quốc gia phòng chồng ung thư từ năm 2008. Các chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung tại cộng đồng cũng được thực hiện tại một số tỉnh thành, sử dụng kỹ thuật phết tế bào hoặc VIA.
“Ước tính có khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 54 đã được sàng lọc”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến thông tin
Bên cạnh đó, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung cũng được Bộ y tế phê duyệt từ năm 2011 và thường xuyên cập nhật.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thẳng thắn cho hay, như nhiều nền kinh tế đang phát triển APEC, Việt Nam cũng đối mặt với các vấn đề về tài chính, như giá thành vắcxin HPV còn cao, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế tại vùng sâu, vùng xa, thiếu các phòng thí nghiệm tế bào học và chuyên gia giải phẫu bệnh tay nghề chuyên môn cao…
Trong tương lai, Việt Nam sẽ vận dụng những thành tựu mới và đàm phán giảm giá thành vắcxin HPV, cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận với chi phí hợp lý ở tuyến y tế cơ sở. Chúng tôi hi vọng sẽ được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ các ngài Bộ trưởng APEC và các Qúy vị đại biểu trong việc triển khai chương trình tiêm chủng HPV trên phạm vi quốc gia cũng như nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng các đại biểu tham dự diễn đàn
“Do đó, phiên đối thoại chính sách là dịp để quy tụ các nhà hoach định chính sách, các chuyên gia và các nhà khoa học từ 21 nền kinh tế APEC với mục đích tìm ra những giải pháp hiệu quả làm giảm tỷ lệ nhiễm HPV và dự phòng ung thư cổ tử cung tại các quốc gia này; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc tế trong việc đẩy mạnh dự phòng và kiểm soát ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh
Nhiều nội dung nghị sự quan trọng liên quan đến chính sách về giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế APEC được bàn thảo
Được biết, Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày với những nội dung: Diễn đàn đối thoại chính sách về giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế APEC; Hội thảo chuyên gia về Ung thư cổ tử cung: Sử dụng số liệu trong hoạch định chính sách.
Trong ngày làm việc thứ nhất (ngày 24/8) đã diễn ra các nội dung quan trọng như Diễn đàn Bộ trưởng: Giảm tỉ lệ nhiễm HPV và Ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế APEC, thảo luận về kinh nghiệm tại các nền kinh tế khác nhau trong việc đưa ra chương trình tiêm chủng vắc xin HPV và thảo luận kế hoạch và mục tiêu trong tương lai về việc giảm tỉ lệ nhiệm HPV và Ung thử cổ tử cung tại các nền kinh tế với sự tham gia của GS Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, BS. Hilmi bin Haji Yahaya Thứ trưởng Bộ Y tế, Malaysia, Ông Pascoe Kase, Bộ Bộ y tế, Papua New Guinea
Diễn đàn Chính phủ: Giảm tỉ lệ nhiễm HPV và Ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế APECvới sự tham gia củaBs. Niken Palupi, Phó Cục trưởng Cục Ung thư và Rối loạn Máu, Bộ y tế Indonesia; Bà Sarah Lawley, Giám đốc Văn phòng quan hệ quốc tế về Sức khỏe Cơ quan Sức khỏe và Y tế công cộng Canada, Bs. Ran-Chou Chen, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y tế, Bộ y tế và Phúc lợi, Đài Loan.
Diễn đàn và Thảo luận: Vắc xin HPV- Một trong những đầu tư tốt nhất về sức khỏe ở phụ nữ trẻ tuổivới sự tham gia của GS. Bruce Rasmussen, Ban Giám đốc và thành viên Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống APEC,Viện Nghiên cứu Chiến lược kinh tế Victoria trường đại học Victoria (Melbourne); BS. Kim Sweeny, Nghiên cứu viên chính, Viện Nghiên cứu Chiến lược kinh tế Victoria trường đại học Victoria (Melbourne)
PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc BV K, Viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư phát biểu tại diễn đàn
Diễn đàn: Giảm tỉ lệ nhiễm HPV và Ung thư Cổ tử cung ở các nền kinh tế APEC- Bằng cách nào chúng ta đạt được điều này?Để trả lời cho câu hỏi này, Phiên họp diễn đàn Bộ trưởng, các chuyên gia sẽ thảo luận triển vọng xóa bỏ tỉ lệ nhiễm HPV và giảm đáng kể ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế APEC dựa trên kết quả của các dữ liệu và mô hình nghiên cứu mới. Các diễn giả GS. Karen Canfell, Giám đốc Nghiên cứu, Hội đồng Ung thư New South Wales; BS Julia Spencer, Giám đốc điều hành Quan hệ Chính phủ và chính sách vắc xin, MSD; BS. Marion Saville, Giám đốc điều hành, COMPASS; Ông Jose Jeronimo, Trưởng phòng Kỹ thuật, Liên minh toàn cầu chống lại Ung thư cổ tử cung xem xét các biện pháp can thiện tốt nhất để giảm đáng kể tỉ lệ mắc HPV và ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế APEC trong thập kỷ tới. Các diễn giả cùng thảo luận cách kết hợp dữ liệu về hiệu quả vắc xin HPV với liệu pháp PAP trong hỗ trợ các chương trình chính sách dự phòng ung thư cổ tử cung trong khu vực. Một nghiên cứu mới về tác động của vắc xin HPV đối với ung thư cổ tử cung tại Úc, nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về chương trinh tiêm chủng sẽ được trình bày.
Nền tảng tư vấn từ xa: Dự án ECHO với sự tham gia trình bày bởi Ông Ankur Garg, Chính sách y tế, Trung tâm sức khỏe toàn cần, Viện Ung thư quốc gia, Viện Sức khỏe quốc gia, Hoa Kỳ; GS. Lina Van Le, Khoa Ung bướu phụ khoa, Trường Đại Học Bắc Carolina.
Ung thư cổ tử cung tạo ra các gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội. Năm 2012, tổng gánh nặng trực tiếp của ung thư cổ tử cung khoảng 1.755 tỷ đồng, xếp thử 4 và chiếm khoảng 0,015% GDP; gánh nặng gián tiếp khoảng 418 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong số 6 loại bệnh ung thư thường gặp nhất.
Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
"Do khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung tương đối dài; yếu tố nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đã được xác định; mặt khác cổ tử cung là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp để quan sát, thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa bằng cách sàng lọc, được phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư"- PGS.TS Trần Văn Thuấn nói