Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10: Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

15-09-2015 21:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 14/9, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10 do Bộ Y tế Việt Nam đăng cai tổ chức.

Ngày 14/9, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10 do Bộ Y tế Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị này và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 17/9.

Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, các quan chức cao cấp về phát triển y tế của các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Đông Nam Á, đại diện UNFPA, UNAIDS, đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các Cục/Vụ/Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện các cơ quan, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành trong cả nước...

Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10: Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ những nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp, các nước thành viên ASEAN đã có những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, được xem là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN ngày nay đã chuẩn bị bước vào giai đoạn hình thành cộng đồng ASEAN, với mức độ liên kết và hợp tác ngày càng cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Hợp tác y tế ngày càng chặt chẽ, sâu rộng trong khu vực đã đóng góp hiệu quả cho việc bảo đảm an ninh và phát triển ở khu vực, tạo thế cho quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Với vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong một năm qua đã gấp rút hoàn thành Kế hoạch tổng thể cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN và Khung chiến lược của ASEAN về phát triển y tế giai đoạn 2010-2015 và đặc biệt là đã thảo luận và đưa ra các ưu tiên y tế để cùng hợp tác, tăng cường sức khỏe cho người dân ASEAN giai đoạn 2015-2020.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN tại Hội nghị lần thứ 10 này là cùng thảo luận, thống nhất về cơ chế hoạt động của Hợp tác Y tế ASEAN, của các Nhóm Công tác chuyên môn trong giai đoạn 2015-2020 để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 13 thông qua.

“Hội nghị này sẽ thu hút được sự quan tâm và đóng góp của tất cả các quý vị đại biểu để có thể đưa ra được những đề xuất về cơ chế hợp tác mới hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân các quốc gia, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm với xã hội, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Ngay sau phiên khai mạc đến chiều ngày 15/9, Hội nghị SOMHD 10 đã tiến hành phiên họp toàn thể để cập nhật và rà soát những nội dung chính tại các Hội nghị lớn trong thời gian vừa qua, đồng thời thảo luận về các Chương trình Phát triển y tế sau năm 2015 của ASEAN với 18 lĩnh vực y tế ưu tiên được chia làm 4 nhóm chính, cụ thể:

Nhóm 1: Tăng cường lối sống lành mạnh với mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN có được sức khỏe tốt nhất thông qua tăng cường lối sống lành mạnh và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả người dân ở mọi lứa tuổi. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD); Giảm sự tiêu thụ thuốc lá và rượu bia; Phòng chống tai nạn thương tích; Phòng chống bệnh nghề nghiệp; Cải thiện sức khỏe tâm thần; Tăng cường sức khỏe và sự năng động cho người già và Tăng cường dinh dưỡng tốt, ăn kiêng lành mạnh.

Nhóm 2: Ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường hệ thống y tế bền vững để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và truyền nhiễm mới nổi, các bệnh bị lãng quên và các bệnh nhiệt đới; Ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe môi trường, thảm họa và đảm bảo chuẩn bị ứng phó hiệu quả về quản lý y tế trong thảm họa ở khu vực. Các ưu tiên y tế gồm: Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên; Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm; Giải quyết vấn đề kháng thuốc; Sức khỏe môi trường và đánh giá tác động sức khỏe; Quản lý y tế trong thảm họa.

Nhóm 3: Tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu đến năm 2020: Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, an toàn với chất lượng thuốc tốt bao gồm thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm thay thế; Đạt được và duy trì bền vững các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Các ưu tiên y tế gồm: Y học cổ truyền; Các Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế (MDG 4, 5, 6); Chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), Sức khỏe dân di cư; Phát triển dược phẩm; Tài chính trong chăm sóc sức khỏe; Phát triển nguồn nhân lực.

Nhóm 4: Đảm bảo an toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2020: Tăng cường tiếp cận với thực phẩm an toàn, nước uống an toàn và vệ sinh. Các ưu tiên y tế gồm: an toàn thực phẩm, nước và vệ sinh nguồn nước.

Nguyễn Hoàng

Hội nghị SOMHD lần thứ 10 đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Lạt. Với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch hội nghị, Việt Nam sẽ điều hành hội nghị với một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy hợp tác y tế giữa các nước thành viên Asean và tăng cường hợp tác ngoại khối. Vậy vai trò cùng những đóng góp của Việt Nam được thể hiện ra sao nhằm vun đắp cho mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN khỏe mạnh? Bên lề Hội nghị SOMHD lần thứ 10 tại Đà Lạt, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và TS. Suriya Wongkongka Thep - Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan.

Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10: Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Việt Nam nỗ lực thúc đẩy vì một cộng đồng ASEAN khỏe mạnh

PV: Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của Việt Nam tại hội nghị này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hội nghị Các quan chức cấp cao về phát triển y tế ASEAN thể hiện vai trò của Việt Nam thứ nhất là nước chủ nhà, thứ hai Việt Nam là chủ tịch của các hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN. Mục đích là đóng góp ý kiến, thảo luận và đề xuất ra các giải pháp. Thứ nhất là các nội dung để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 13 sẽ tổ chức tại Brunei vào năm 2016. Thứ hai là thảo luận và đưa ra giải pháp về 4 nhóm vấn đề chính: một là thực hiện lối sống lành mạnh trong cộng đồng người dân, hai là đối phó và phòng chống dịch bệnh mới nổi, ba là an toàn vệ sinh thực phẩm, bốn là trao đổi tiến tới cơ chế thống nhất.

PV: Vậy Việt Nam có những đề xuất và đóng góp gì để thúc đẩy hợp tác y tế giữa các nước thành viên ASEAN cũng như tăng cường hợp tác ngoại khối, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việt Nam đề xuất phải tăng cường các mối quan hệ giữa các nước ASEAN để thúc đẩy y tế phát triển với quan điểm đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển với các giải pháp chính đó là phải làm sao để tăng cường phòng chống các bệnh đại dịch để trong khu vực có thể chia sẻ và cùng các giải pháp tránh lây lan trong khu vực cũng như xâm nhập từ khu vực khác đến Việt Nam. Thứ hai là vấn đề tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân để tiến tới một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Một nội dung nữa là giúp cho hội nghị tới về vấn đề an toàn thực phẩm trong khu vực cũng như quốc tế. Đây là vấn đề khá trầm trọng, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước. Hiện nay cơ chế quản trị vẫn chưa thật rõ ràng và thống nhất, không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN. Một vấn đề nữa là hướng tới chất lượng cuộc sống, một lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, tập thể dục, chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Đấy là một gánh nặng lớn cho sức khỏe người dân. Việt Nam cũng đề nghị đổi mới toàn diện để nâng cao đào tạo nguồn nhân lực của ngành y tế. Đó là đào tạo khá đặc thù.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) lần thứ 10: Cùng thảo luận, thống nhất về Hợp tác Y tế ASEAN sau năm 2015

TS. Suriya Wongkongka Thep - Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan:  Cộng đồng ASEAN hợp tác thành công trong phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi

PV: Ông đánh giá như thế nào về hợp tác y tế nội khối và ngoại khối của các nước ASEAN hiện nay?

TS. Suriya Wongkongka Thep: Trong hợp tác y tế ASEAN, chúng ta đã tăng cường hợp tác mạnh mẽ giữa 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các tổ chức quốc tế như WHO, UNFPA. Chúng tôi đã hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như phòng chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm mới nổi. Bộ trưởng Y tế ASEAN năm ngoái đã thảo luận về dịch bệnh Ebola, cách phòng chống và đối phó với dịch bệnh. Tháng 7 vừa rồi các bộ trưởng ASEAN cũng thảo luận về hội chứng hô hấp vùng Trung Đông MERS, đây là mối đe dọa mới đối với nhiều nước ASEAN. Đó là cách mà ASEAN đang hợp tác. Chúng tôi cũng đã có quá trình hợp tác rất lâu dài về giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá.

PV: Vậy theo ông, những thách thức đối với hợp tác trong lĩnh vực y tế của các nước ASEAN là gì?

TS. Suriya Wongkongka Thep: Thách thức mới với ASEAN đó là tình trạng già hóa dân số. Rất nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Singapore đang bước vào giai đoạn xã hội già hóa. Vậy làm cách nào để đối phó với tình trạng này? Đó là vấn đề chúng tôi đang rất quan tâm. Cùng với đó là những vấn đề về dịch bệnh lâu dài như ung thư... Thách thức thứ hai là về đối phó với thảm họa. Asean là khu vực dễ bị tác động bởi thiên tai như lở đất, mưa bão, thậm chí là cả động đất. Do đó, việc quản lý y tế trong thảm họa cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ chúng ta sẽ thành lập lực lượng phòng chống thảm họa trong y tế để tập hợp nguồn lực của các quốc gia thành viên. Thách thức tiếp theo là bao phủ y tế toàn dân. Hiện 80% người dân ASEAN được bao phủ y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Cách thức để chúng ta cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được LHQ thông qua vào tháng 12 tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn