Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 về cúm A/H1N1 kết thúc tốt đẹp tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Triệu, đã có bài phát biểu tại hội nghị, tóm tắt tình hình phòng dịch tại Việt Nam và bày tỏ sự đồng thuận về sự hợp tác chặt chẽ của các nước ASEAN 3 thông qua biện pháp và hành động chung nhằm đối phó kịp thời với đại dịch cúm A (H1N1).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (thứ tư từ phải qua) tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 3. Ảnh: Xuân Trường. |
Tuyên bố chung phòng chống bệnh cúm A (H1N1) của các nước ASEAN 3 thể hiện một cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của các nước ASEAN 3 nhằm hạn chế và kiểm soát mối đe dọa dịch cúm A (H1N1). Việc chia sẻ thông tin và trang thiết bị y tế phòng chống dịch cúm A (H1N1) trong khu vực ASEAN và các đối tác chính là một hành động quan trọng góp phần đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
Các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 nhất trí thông qua 5 biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch cúm A (H1N1) gồm: hợp tác trao đổi thông tin về diễn biến dịch cúm A (H1N1); thành lập các đơn vị cơ động trong khu vực để kiểm tra phát hiện nhiễm dịch tại biên giới chung; hợp tác giữa các phòng thí nghiệm trong xét nghiệm virut; thành lập hệ thống sơ tán người dân khỏi vùng dịch; hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc kháng virut.
Hội nghị thỏa thuận sẽ thiết lập đường dây nóng giữa các Bộ Y tế ASEAN 3 trong công tác phối hợp ngăn ngừa dịch bệnh. Tại cửa khẩu, các nước trong khu vực sẽ triển khai thiết bị kiểm tra sức khỏe hành khách đến từ những nơi phát hiện có virut cúm A (H1N1) trên thế giới, tuy nhiên sẽ không áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với các vùng có dịch để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động giao thương, kinh tế, và du lịch khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu (thứ ba từ phải sang) cùng các Bộ trưởng Y tế ASEAN 3 tại Hội nghị. |
Chia sẻ những biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành phòng chống dịch cúm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, ngay khi nhận được thông báo của WHO, Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa, kêu gọi các tổ chức chính trị, quốc tế và người dân tham gia phòng chống dịch như khởi động lại công tác kiểm tra nhanh tại các cửa khẩu, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra cúm A (H1N1)...
Về việc nghiên cứu và sản xuất vaccin, các nước khu vực ASEAN và Đông Á tham gia hội nghị cũng kêu gọi WHO bảo đảm công bằng trong việc tiếp cận vaccin phòng chống dịch cho khu vực, đề nghị trợ giúp năng lực sản xuất vaccin cho các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển khác để ngăn chặn dịch. Nếu phát hiện virut cúm A (H1N1) trong khu vực, ASEAN sẽ kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) nào nhưng Việt Nam đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sự bùng phát của dịch cúm A (H1N1) ở Việt Nam, khởi động hệ thống ứng phó nhanh cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm trên người nhằm phòng ngừa sự bùng phát dịch. Việt Nam tập trung vào các biện pháp chủ yếu gồm tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, xây dựng quy định điều trị, hoạt động truyền thông và hậu cần như dự trữ thuốc tamiflu và trang bị phòng hộ cá nhân và cung cấp đến các tỉnh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Việt Nam vẫn còn thiếu các phương tiện kiểm tra nhanh tại cửa khẩu, thuốc kháng virut và trang thiết bị phòng hộ cá nhân, và kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế cho các nỗ lực phòng chống dịch cúm A (H1N1) ở Việt Nam. |