Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XII: Thảo luận về chính sách tiền lương

10-05-2018 22:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Thảo luận về chính sách tiền lương tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng Đề án cải cách chính sách tiền lương có những điểm mới, đột phá nhưng muốn thành công phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp công lập để tạo nguồn bền vững cho Đề án.

Quan trọng nhất là nguồn lực và tinh giản bộ máy, biên chế

Phát biểu tại Hội nghị, các Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án; nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách tiền lương trong từng giai đoạn: 2018-2020; 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đa số đại biểu nhấn mạnh chính sách tiền lương làm một bộ phận quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách.

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XIIĐồng chí Trần Cẩm Tú.

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XIIĐồng chí Trần Thanh Mẫn.

Theo đại biểu Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đề án đã đánh giá được các mặt hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương đã và đang thực hiện trong thời gian qua, từ thực tiễn này xây dựng chính sách tiền lương khoa học, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của Việt Nam, phù hợp với chính sách tiền lương của các nước phát triển trên thế giới, mang tính khả thi cao. Năm quan điểm nêu trong Đề án đã bao hàm đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền lương. Đại biểu cho rằng, mục tiêu tổng quát này đã đầy đủ, đúng và phù hợp với xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, đại biểu quan tâm đến việc tổ chức thực hiện với 7 nhóm giải pháp. Quan trọng nhất là nguồn lực thực hiện lấy ở đâu, huy động như thế nào. Trong Đề án đã đưa ra vấn đề huy động nguồn lực, tinh giản biên chế, tiết kiệm... nhưng theo đại biểu hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực và tinh giản bộ máy, biên chế. Đề án đã đưa ra 3 phương án xây dựng quỹ lương gắn với 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế: 7%, 6% và thấp nhất là 5%. Như vậy, việc cải cách chính sách tiền lương gắn liền với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu đề cập thực trạng hiện nay bộ máy cồng kềnh từ Trung ương đến cơ sở, năng lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Nếu thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế, thì chắc chắn vấn đề cải cách chính sách tiền lương sẽ thuận lợi. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với giải pháp tiết kiệm 10% chi ngân sách hàng năm để xây dựng quỹ lương.

Không để vì lương mà chạy đua chức vụ

Đánh giá Đề án có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, tuy nhiên một số đại biểu cũng lưu ý đến tính vùng miền, không cào bằng, vì đặc thù, mức độ chi phí của mỗi vùng miền khác nhau. Cùng đó, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, việc tách riêng bảng lương chức vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp để không làm phát sinh cuộc chạy đua: “Phải gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ với việc thực hiện đề án khác như “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, làm thế nào để chặt chẽ, có chất lượng, đúng người đúng việc. Thứ hai, thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp. Thứ ba, quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ”.

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XIICác đại biểu bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội nên đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Các đại biểu đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét kỹ các nội dung của đề án, bảo đảm Nghị quyết sau khi ban hành đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao.

Trong ngày làm việc thứ ba (9/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã biểu quyết đồng ý để đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) khóa XII thôi giữ chức Ủy viên UBKTTW và Chủ nhiệm UBKTTW khóa XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTW khóa XII giữ chức Chủ nhiệm UBKTTW khóa XII; bầu đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Phú Yên giữ chức Ủy viên UBKTTW khóa XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII gồm: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKTTW khóa XII.

Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Chiều ngày 10/5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.


H. Phong
Ý kiến của bạn