Năm 2020 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại, nổi bật của Đảng, đất nước cùng những người làm công tác tư tưởng; là năm chứng kiến những sự kiện chưa có tiền lệ và những đổi thay lớn lao trong đời sống kinh tế, xã hội của cả thế giới và đất nước, năm của những khó khăn, thách thức lớn… nhưng cũng là năm của những nỗ lực, quyết tâm lớn, năm cộng hưởng mạnh mẽ và hiệu quả của những tấm lòng yêu nước đầy trách nhiệm, năm mà đất nước Việt Nam được nói đến như là "hình mẫu" về cách thức kiểm soát và phòng, chống dịch COVID-19; được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thành công này có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí trong cả nước.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Nước ta có hệ thống Đảng, Nhà nước lãnh đạo, có lực lượng y tế, bộ đội, công an đồng hành với nhân dân tạo ra sự đồng thuận. Chúng ta có phương thức tổ chức từ truyền thông truyền thống với áp phích, pano tới báo chí và mạng xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự đồng thuận cả xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao cao vai trò xung kích của báo chí, điển hình là một trong những người sớm bị nhiễm COVID-19 là một phóng viên sẵn sàng vào bệnh viện tác nghiệp. Không chỉ giữ được thành quả chống dịch, mà trong năm 2020 vừa qua, nhiều năng lượng tích cực được báo chí “khơi dậy, thổi lên và lan tỏa”. “Năng lượng tích cực, những giá trị lâu nay bị đời thường che mờ, bây giờ được khơi sáng lên, làm mọi người Việt Nam yêu nước hơn, tin Đảng, tin chính quyền. Cộng đồng quốc tế nhìn về Việt Nam với con mắt khác”. Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhờ những giá trị đích thực của xã hội và của nhân dân, sự sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, sự đóng góp hết sức chuyên nghiệp của đội ngũ báo chí nên Việt Nam "có nhiều thứ chiếm sóng" truyền thông thế giới.
Tất cả công việc khác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho đến tham gia vào phòng chống tham nhũng, thúc đẩy các vấn đề xã hội để tiến tới phát triển bền vững đều được thực hiện tốt bởi sự tham gia của báo chí. Không chỉ phản ánh, phổ biến để tạo sự đồng thuận, báo chí tiếp tục là kênh tư vấn phản biện, góp ý cho Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục áp dụng khoa học-công nghệ mới trong hoạt động để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chính phủ mong muốn nhận được sự góp ý nhiều hơn của báo chí, để góp phần xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng , là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác lớn trong khu vực, trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt, thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống, tình hình Biển Đông phức tạp, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng, bất bình đẳng, nghèo đói và các vấn đề xã hội sẽ có tác động không nhỏ tới việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân nước ta.
Tặng Bằng khen cho 30 tập thể có thành tích xuất sắc.
Trước những thuận lợi, khó khăn, cùng với thách thức đan xen, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đòi hỏi cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, phát huy kết quả năm 2020 và cả nhiệm kỳ qua để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.