Hội nghị APEC: Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng

24-08-2017 17:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, tuy nhiên Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm và các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu để cung cấp cho người dân các dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu có tính tiếp cận, an toàn, hiệu quả và trong khả năng chi trả.

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 với chủ đề "Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững"

Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3), với chủ đề "Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững", cuộc họp cao cấp lần thứ bảy về y tế và kinh tế của APEC đã diễn ra từ 23-24/8, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các bộ trưởng và đại diện ngành y tế, cùng gần 200 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế.

Hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế là hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh. Theo Phó Thủ tướng, sức ép của các nền công nghiệp, đặc biệt là nền công nghiệp mới cũng làm cho con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ngày càng nhiều các bệnh có tính nghề nghiệp và bệnh mới, nhất là các bệnh liên quan đến thần kinh, trí nhớ, trầm cảm, tự kỷ, suy dinh dưỡng ở trẻ em cộng với cuộc sống có quá nhiều bận rộn và sức ép hàng ngày cũng làm cho mọi người bớt quan tâm hơn giữ gìn sức khỏe của riêng mình.

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và toàn xã hội, đầu tư cho phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho phát triển. Phó Thủ tướng cho biết, nhà nước không đơn thuần lo cơ chế để cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng, đào tạo đội ngũ làm y tế hết lòng vì người bệnh mà phải lo làm sao để vùng sâu, vùng xa, đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc ít người, người tàn tật thật sự được bình đẳng, tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất, đặc biệt là các dịch vụ y tế dự phòng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ở Việt Nam, dù là nước đang phát triển, Chính phủ luôn đặc biệt chú trọng đến vấn đề y tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, trong đó có các thành viên APEC, Việt Nam cơ bản hoàn thành được các Mục tiêu Thiên niên kỷ và chuẩn bị hoàn thành các mục tiêu liên quan đến sức khỏe trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ (SDGs). Việt Nam đã kiểm soát cơ bản được các dịch bệnh, vận động nhân dân tham gia không chỉ đóng bảo hiểm mà còn rèn luyện và tự chăm lo cho sức khỏe của mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Việt Nam, giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như là chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ thấp, v.v... Các nguồn lực dường như tập trung nhiều vào các dịch vụ điều trị, trong khi không đủ để cung cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu có chi phí-hiệu quả. Việc kêu gọi bao phủ y tế toàn dân dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu đã khuyến khích đối thoại chính sách về cải cách tài chính y tế để xây dựng hệ thống y tế công bằng và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm và các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu để cung cấp cho người dân các dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu có tính tiếp cận, an toàn, hiệu quả và trong khả năng chi trả.

Tìm các giải pháp tài chính cho phát triển y tế

Với chủ đề: "Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững", Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tập trung thảo luận 5 nội dung gồm: Khái niệm "đầu tư xã hội" – Đo lường lợi ích đầu tư cho y tế; cách tiếp cận trong thu thập dữ liệu để đo lường hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế; Tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC; Rà soát tình hình triển khai “Lộ trình vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020"; Kết quả các Đối thoại chính sách về: tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; lao và lao đa kháng thuốc; hài hòa quy định về dược phẩm; Xác định những giải pháp, chính sách phù hợp để xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Toàn cảnh cuộc họp cao cấp APEC về kinh tế và y tế lần thứ 7

Toàn cảnh cuộc họp cao cấp APEC về kinh tế và y tế lần thứ 7

Các đại biểu đã cùng tham gia các phiên họp chính thức, với 7 phiên thảo luận chính. Trong phiên thảo luận về  Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững , các nền kinh tế thành viên APEC đã cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về cải cách tài chính y tế nhằm xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu lực, hiệu quả.

Cũng tại các phiên thảo luận Việt Nam đã có bài  trình bày về vấn đề tài chính cho bảo hiểm y tế toàn dân, và được các đại biểu đánh giá cao, trong đó nhấn mạnh sức khoẻ được coi vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đầu tư vào y tế là đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội và vai trò của chính phủ trong việc bảo vệ sức khoẻ con người. Chính phủ đã cam kết đạt được bao phủ y tế toàn dân và công nhận tài chính y tế là phương tiện quan trọng để đạt được mục tiêu đó. Trong vài thập kỷ gần đây, chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến ​​tài chính để huy động thêm nguồn tài chính công cho y tế. Tuy nhiên, thách thức là đảm bảo công bằng, hiệu quả trong việc sử dụng quỹ và chất lượng dịch vụ. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho tất cả dân cư (khoảng 20 triệu người vẫn ra khỏi hệ thống).


Hải Yến
Ý kiến của bạn