Hôi nách: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

01-04-2024 17:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hôi nách là một bệnh lý ảnh hưởng lớn đến tâm lý, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Hôi nách càng trở nên trầm trọng hơn vào mùa nóng, mồ hôi ra nhiều hoặc tiết trời hanh khô.

1. Nguyên nhân bệnh hôi nách

Tuyến mồ hôi được chia làm hai loại:

  • Tuyến mồ hôi nhỏ (eccrine): phân bố khắp cơ thể, có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã, thải ra 99% nước và 0,5% muối.
  • Tuyến mồ hôi lớn (apocrine): nằm ở lớp dưới da, sẽ mở ra ở các lỗ chân lông tuyến này chỉ phân bố ở nách, âm hộ và lông mày, thải ra chất lỏng khá đặc, có chứa lipid, protein và sắt. Các chất này khi bị vi khuẩn phân hủy sẽ tạo thành một loại axit béo không bão hòa có mùi khó ngửi được gọi là mùi hôi nách.

Trong gia đình nếu có ít nhất 1 người (bố hoặc mẹ) bị hôi nách thì có thể di truyền sang cho con cái của mình. Kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, nếu cả bố hoặc mẹ đều bị hôi nách thì tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh là trên 85%, nếu chỉ 1 trong 2 bố hoặc mẹ thì con số này là 50%. Như vậy, lý do vì sao lại hôi nách của bạn rất có thể do di truyền từ bố mẹ.

Những người ở bẩn, trên người thường có rất nhiều vi khuẩn, mồ hôi cũng tiết ra nhiều hơn. Chính vì vậy, hoạt động phân giải mồ hôi của vi khuẩn càng trở nên mạnh mẽ và mức độ mùi hôi càng trở nên nặng nề hơn.

Hôi nách: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Khi lo lắng hay quá căng thẳng về một vấn đề gì đó cũng khiến bị hôi nách.

Các thói quen ăn uống không tốt như: Ăn cay, sử dụng đồ uống chứa chất kích thích là lý do giải thích vì sao lại hôi nách.

Khi lo lắng hay quá căng thẳng về một vấn đề gì đó cũng khiến các tuyến mồ hôi lớn tiết ra axit béo ở dạng dịch thể,… Một khi gặp các vi khuẩn trên da, chúng sẽ biến thành một loại axit béo không hòa tan. Đây là lý do vì sao lại bị hôi nách gây nên mùi khó ngửi.

Những người mắc các bệnh về gan, thận, hay các các vấn đề về da, hệ tiêu hóa, nấm, tuyến giáp… cũng có thể bị hôi nách, gây mùi khó chịu dưới cánh tay.

2. Dấu hiệu bệnh hôi nách

Khi mắc hôi nách cơ thể người bệnh tỏa ra mùi hương mà người khác cảm thấy khó chịu như là: mùi hăng, ôi, mốc hoặc "chua và ngọt". Mùi cơ thể thường xuất hiện không chỉ ở nách mà còn ở những nơi như: Đôi chân, háng, bộ phận sinh dục, lỗ rốn, hậu môn, sau tai, phần còn lại của da. Bởi vì cơ thể nặng mùi rõ nhất là nách sẽ gây ám ảnh của bản thân và người xung quanh, khiến người bị cảm thấy tự ti, mặc dù đây là vấn đề mà ai cũng có thể đối mặt.

3. Bệnh hôi nách có lây không?

Bản chất của bệnh hôi nách là không lây nhiễm, nguyên nhân là do vi khuẩn kết hợp với tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nên mới sinh ra mùi. Điều này có nghĩa là, giặt và mặc chung quần áo với người bị bệnh hôi nách sẽ không hề lây sang người không bị hôi nách.

4. Cách phòng bệnh hôi nách

Để phòng bệnh hôi nách cần vệ sinh sạch sẽ, các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động mạnh hơn ở cả nam và nữ trong tuổi dậy thì. Do đó, các thanh thiếu niên thường bắt đầu có mùi hôi. Cần phải giữ cơ thể sạch để tránh mồ hôi nặng mùi.

Mọi người nên tắm 2 lần một ngày và sau khi hoạt động gắng sức, tập thể dục hoặc chơi thể thao nhằm loại bỏ sạch mồ hôi bị nặng mùi còn tồn đọng trên da. Đồng thời tế bào da chết và vi khuẩn ngoài da cũng được loại bỏ, tránh nguy cơ hình thành mùi hôi cơ thể. Khi tắm nên sử dụng một số loại sữa tắm giúp dưỡng ẩm, chăm sóc da, tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả và cải thiện mùi hương trên cơ thể.

Hôi nách: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Sử dụng chanh khi tắm giúp giảm mùi hôi nách.

Nên lựa chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, như vải cotton cho thấm mồ hôi tốt khi thời tiết nóng bức. Ngoài ra, nên chọn các loại quần áo có màu sáng để hấp thu nhiệt lượng từ ánh mặt trời thấp. Nếu quần áo đã thấm mồ hôi thì cần thay ngay khi về nhà. Quần áo thay ra phải ngâm xà phòng hoặc giặt ngay để vi khuẩn không có cơ hội gây mùi hôi.

Ngoài ra, cần uống đủ nước, theo nghiên cứu, mồ hôi là kết quả của sự tăng nhiệt độ cơ thể dẫn tới bài tiết nước. Cho nên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ giúp cơ thể cân bằng lại nhiệt độ, và không cảm thấy nóng bức, mệt mỏi và ngăn chặn được tình trạng mồ hôi cơ thể nặng mùi.

5. Cách điều trị hôi nách

Tùy từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thích hợp. trong đó có các phương pháp sau:

Điều trị bảo tồn: Làm giảm mùi hôi vùng nách dựa vào hai cơ chế: làm giảm tiết mồ hôi và/hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Các phương pháp thường được áp dụng là:

  • Phương pháp dân gian: sử dụng gừng, lá trầu không, phèn chua, chanh chà xát vào vùng nách… là tiết kiệm và đơn giản nhất. Tuy nhiên phương pháp này không mang tính chất điều trị tận gốc nguyên nhân gây mùi mà chỉ có tính chất tạm thời.
  • Dùng các dạng dung dịch xịt hoặc lăn nách.
  • Điều trị bằng thuốc: tác dụng vào cơ chế giảm tiết mồ hôi. Một số thuốc khác có tác dụng trên hệ thần kinh giao cảm như: glycopyrrolate (Robinul), tuy nhiên loại này có tác dụng phụ như khô miệng, mất ngủ, mắt nhìn mờ….
  • Tiêm Botox: là phương pháp được đánh giá là có hiệu quả tương đối tốt tuy nhiên chỉ duy trì được kết quả trong vòng 6-8 tháng, tuy nhiên, chi phí rất tốn kém.
  • Điều trị bằng laser: dựa trên cơ chế làm đông vón protein, tuy nhiên, laser chỉ tác dụng tốt với các thành phần ở trung bì, đồng thời giá thành cao và phải thực hiện nhiều lần.

Điều trị phẫu thuật có thể được lựa chọn điều trị một số trường. Tính thẩm mỹ của phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi kinh điển về lâu dài tương đương như phẫu thuật nội soi cắt tuyến mồ hôi.

Chú ý, hôi nách và hội chứng tăng tiết mồ hôi vùng nách là hai bệnh lý khác nhau về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị. Chỉ định phẫu thuật điều trị hôi nách rất chặt chẽ, vì vậy khuyến cáo bệnh nhân nên được khám và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở y tế chuyên khoa tránh không khỏi bệnh mà lại gây hại cho sức khỏe.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến hôi náchNhững câu hỏi thường gặp liên quan đến hôi nách

SKĐS - Hôi nách là bệnh lý rất phổ biến, tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Vậy nguyên nhân gây hôi nách là gì và có cách nào để cải thiện tình trạng hôi nách không?


ThS. Nguyễn Văn Tiến
Ý kiến của bạn