Hôi nách dùng thuốc gì?

11-04-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nách có mùi (hôi nách) khi mồ hôi tiếp xúc với vi khuẩn trên da, khiến người mắc tự ti. Có nhiều cách để ứng phó với tình trạng này.

1. Các thuốc trị hôi nách

Cách xử lý mùi hôi nách phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản gây ra mùi cơ thể. Mùi hôi có thể xuất hiện do vệ sinh không hiệu quả hoặc không sử dụng đúng sản phẩm hoặc cũng có thể do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị.

Một số biện pháp giúp giảm hôi nách:

- Thuốc dùng ngoài: Thuốc bôi hoặc xịt chống tiết mồ hôi hoặc khử mùi.

+ Chất chống mồ hôi: Giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra bằng cách tạm thời chặn các lỗ chân lông tiết ra mồ hôi. Khi mồ hôi xuất hiện trên bề mặt da ít hơn thì mùi hôi sẽ ít hơn. 

Chất chống mồ hôi thường chứa muối nhôm. Một số sản phẩm như: Lutsine, dermagor, etiaxil, driclor... Khi thoa trên da, chất chống mồ hôi sẽ tạo thành nút chặn mồ hôi. Theo đó, chất chống mồ hôi lý tưởng cho những ai muốn giảm độ ẩm ướt hoặc cảm thấy mình đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.

Tuy nhiên các loại thuốc chứa nhôm khi dùng dài ngày rất dễ gây kích ứng da.

Cách dùng: Nên thoa chất chống mồ hôi vào buổi tối trước khi đi ngủ để chặn các ống dẫn mồ hôi, chúng sẽ có tác dụng trong khoảng 24 giờ.

+ Chất khử mùi: Có tác dụng ngăn mồ hôi có mùi. Mồ hôi không thực sự có mùi mà là sản phẩm phụ của mồ hôi và vi khuẩn. Chất khử mùi thường có gốc cồn và hoạt động bằng cách tạo ra một môi trường axit hơn trên da, làm giảm vi khuẩn (ngăn chặn sự hình thành của vi khuẩn gây mùi) dẫn đến mùi hôi.

một người đang ngửi nách với chiếc áo cộc tay màu vàng

Hôi nách là sản phẩm phụ của mồ hôi kết hợp vi khuẩn trên da.

Chất khử mùi không ngăn tiết mồ hôi theo cách mà chất chống mồ hôi có thể làm, nhưng nó có tác dụng kiểm soát mùi liên quan đến tiết mồ hôi. Những ai không gặp vấn đề với việc đổ mồ hôi quá nhiều nhưng muốn ngăn mùi cơ thể thì nên sử dụng chất khử mùi.

Cách dùng: Chất khử mùi nên được thoa vào buổi sáng trên da sạch, khô và tác dụng kéo dài khoảng 24 giờ.

- Thuốc uống kháng cholinergic: Có tác dụng giúp ngăn cản sự hoạt hóa của tuyến mồ hôi. Một số thuốc như: Glycopyrolate, oxybutynin, benzotropine, propantheline... được dùng theo đơn của bác sĩ.

Do tác dụng ức chế của thuốc với tuyến mồ hôi là không chọn lọc, nên thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như khô miệng, mắt mờ, tim đập nhanh, táo bón, tiểu ít...

- Thuốc tiêm: Tiêm botox vào tuyến mồ hôi có thể làm giảm cả mồ hôi và mùi hôi. Đây là một phương pháp điều trị phổ biến dành cho những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, botox không phải là giải pháp lâu dài. Tác dụng của việc tiêm chỉ kéo dài vài tháng. Vì vậy bạn sẽ cần lặp lại quy trình này thường xuyên nếu cần.

Nhược điểm của phương pháp này là gây đau, giá thành đắt.

2. Lưu ý khi dùng các sản phẩm phòng, chống hôi nách

- Trước tiên hãy dùng các sản phẩm không kê đơn (chất chống mồ hôi, chất khử mùi hoặc sản phẩm kết hợp chống mồ hôi và khử mùi) sau khi tắm hàng ngày có thể giúp khắc phục mùi hôi nách. Đôi khi, bạn cần thử nhiều loại khác nhau để xem loại nào phù hợp nhất với mình.

một người đang ngửi nách với chiếc áo cộc tay màu vàng

Chất khử mùi nên được thoa vào buổi sáng trên da sạch, khô và tác dụng kéo dài khoảng 24 giờ.

Cụ thể:

+ Nếu bạn muốn kiểm soát mồ hôi và tránh tình trạng ẩm ướt dưới cánh tay, nên sử dụng chất chống mồ hôi. Trường hợp không đổ mồ hôi quá nhiều và chỉ muốn hạn chế mùi cơ thể thì chọn dùng chất khử mùi.

+ Nếu bạn phải vật lộn với cả mùi cơ thể và mồ hôi, có những sản phẩm phối hợp cả hai chức năng này.

- Cách dùng: Nếu bạn chọn sử dụng cả hai sản phẩm riêng biệt, bạn nên thoa chất chống mồ hôi trước trên da sạch và khô, tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ (sẽ giúp chất chống mồ hôi có thời gian kích hoạt qua đêm) và thoa chất khử mùi vào buổi sáng.

- Nếu dùng các sản phẩm không kê đơn (OTC) không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ, có thể cần dùng các thuốc kê đơn hoặc tiêm botox…

3. Một số bài thuốc nam chữa hôi nách

- Lá mướp đắng (khổ qua) rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước cốt, thoa vào vùng da nách, để khoảng 20 phút thì tắm lại.

- Phèn chua rang, tán bột mịn xát vào hai bên nách, mỗi ngày 1 lần.

- Lá trà xanh và củ gừng tươi nấu nước rửa nách hàng ngày.

- Lá trầu không tươi rửa sạch và chà xát vào hố nách sau khi tắm.

- Chanh tươi cắt làm đôi xát vào 2 nách, để trong khoảng 15 phút rồi rửa sạch.

- Khoai tây cắt từng lát rồi chà xát vào hố nách, chờ khô rồi rửa sạch.

4. Cách ngăn ngừa hôi nách

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn mùi hôi nách phát triển ngay từ đầu bằng cách:

- Tắm hàng ngày bằng xà phòng: Tắm thường xuyên sau các hoạt động vất vả như tập thể dục hoặc chơi thể thao sẽ loại bỏ vi khuẩn và mồ hôi gây ra mùi hôi.

- Mặc các loại quần áo rộng rãi, thoáng khí như cotton, lanh, vải pha trộn thấm ẩm. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đổ mồ hôi nhiều. Các trang phục này sẽ giúp cơ thể bạn mát mẻ hơn so với việc mặc quần áo bó sát làm từ loại vải không thoáng khí.

- Cạo lông nách: Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy cạo hoặc tẩy lông nách giúp giảm đáng kể mùi hôi nách. Điều này là do việc làm sạch sẽ hiệu quả hơn trên da đã cạo hoặc tẩy lông.

- Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể khiến tuyến mồ hôi tiết ra mồ hôi, nên các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng và giảm lo âu có thể giúp bạn điều chỉnh phản ứng căng thẳng, giảm thiểu phản ứng đổ mồ hôi sinh lý.

Nếu bạn đã sử dụng nhiều loại chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi mà không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ. Họ có thể loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và đề xuất các phương pháp điều trị mạnh mẽ hơn.

Nách có mùi hôi xảy ra khi vi khuẩn phá vỡ lớp mồ hôi không mùi trên da. Một số người đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác và mắc chứng bệnh tăng tiết mồ hôi. Việc đổ mồ hôi quá mức này có thể dẫn đến mùi cơ thể. Mặc dù nó có thể khiến mọi người tự ti nhưng có nhiều giải pháp có thể giúp ích.

Thuốc xịt chống mồ hôi hoặc khử mùi có thể giúp bạn kiểm soát mùi cơ thể ở nách. Nếu những cách này không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn hoặc đề nghị tiêm botox.

Vệ sinh tốt, mặc quần áo rộng rãi, giảm căng thẳng và có thể cạo hoặc tẩy lông vùng nách có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm mùi cơ thể.

Mời độc giả xem thêm:

Hôi nách: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnhHôi nách: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hôi nách là một bệnh lý ảnh hưởng lớn đến tâm lý, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Hôi nách càng trở nên trầm trọng hơn vào mùa nóng, mồ hôi ra nhiều hoặc tiết trời hanh khô.



DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn