Hà Nội

Hôi miệng- tại sao?

26-12-2013 15:55 | Tin nóng y tế
google news

Hôi miệng là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng hôi miệng gây tác hại rất lớn đến tâm lý, làm cho người bệnh mặc cảm, thiếu tự tin, đôi khi ảnh hưởng đến sinh hoạt giao tiếp hàng ngày. Có những trường hợp phải nghỉ học, ảnh hưởng công việc làm, khô

Hôi miệng là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng hôi miệng gây tác hại rất lớn đến tâm lý, làm cho người bệnh mặc cảm, thiếu tự tin, đôi khi ảnh hưởng đến sinh hoạt giao tiếp hàng ngày. Có những trường hợp phải nghỉ học, ảnh hưởng công việc làm, không dám kết bạn thân, tránh tiếp xúc mọi người, stress liên tục, thậm chí muốn tự tử.        

 Nguyên nhân

Hôi miệng hay hơi thở có mùi hôi do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân khi phát hiện sẽ điều trị dễ dàng, nhưng cũng có những nguyên nhân tìm chưa ra và kết quả là người bệnh phải chịu đựng chứng hôi miệng trong thời gian dài. Hôi miệng có thể từ các nguyên nhân sau:

1. Do các bệnh lý ở vùng miệng như: sâu răng; viêm nha chu, viêm nướu, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm thịt dư trong họng; khô miệng (khi lượng nước bọt giảm hơn 50% so với bình thường); hàm răng giả, khi người sử dụng không vệ sinh sạch sẽ, thức ăn bám lại và lâu ngày gây ra chứng hôi miệng.

Nên khám răng định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý ở vùng miệng.

2. Do uống thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra hôi miệng như thuốc tăng huyết áp, an thần, chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh Parkinson, thuốc lợi tiểu, amphetamines… do những loại thuốc này làm giảm lượng nước bọt.

3. Do một số bệnh lý như: viêm xoang, viêm phổi kinh niên, ung thư phổi, giãn khí quản, dị vật ở mũi, bệnh loạn tạo máu, đái tháo đường, Urê huyết, xơ gan, bệnh lý dạ dày (viêm dạ dày, hẹp môn vị, thoát vị khe thực quản, hở van thực quản…).

4. Do thức ăn, hút thuốc lá.

5. Một số nguyên nhân khác gây hôi miệng: Thay đổi kích thích tố trong thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt cũng làm cho hơi thở hôi ở một số phụ nữ; hội chứng hôi mùi cá ươn: rất hiếm gặp, đây là bệnh tự miễn với rối loạn chuyển hóa chất Trimethylamine. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu…

        Điều trị

1. Uống nhiều nước: Uống nước thường xuyên tạo không khí ẩm ướt, hạn chế môi trường phát triển của các loại vi khuẩn trong miệng, pha loãng nồng độ các hợp chất lưu huỳnh, làm giảm mùi hôi.

2. Vệ sinh răng miệng: Đây là điều quan trọng, nếu đảm bảo điều này thì bạn có thể đã giảm được hơn 70% tình trạng hôi miệng của mình.

3. Không nên lạm dụng kẹo cao su có đường tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn vùng miệng phát triển. Nước súc miệng chứa nhiều cồn, dễ làm khô miệng, nếu dùng thường xuyên, bạn có thể bị bệnh hôi miệng kinh niên, rất khó điều trị. Hiện nay, nước súc miệng có chứa chlorine clioxide (CIO2) là phát hiện mới nhất để chống lại hôi miệng. CIO2 có khả năng phân hủy hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và có tính diệt khuẩn.

4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Tăng cường các loại rau quả, trái cây, hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá, các thực phẩm có chất ngọt, béo, nhiều gia vị hành, tỏi...

5. Cuối cùng tìm nguyên nhân chính xác gây hôi miệng và điều trị đúng chuyên khoa.

NGUYỄN LÊ THỤC ĐOAN

Bác sĩ chuyên khoa 1 (Trung tâm TT-GDSK TPHCM) / Theo SGGP

 

 


Ý kiến của bạn