Hà Nội

Hôi miệng do đâu?

14-02-2012 11:27 | Bệnh thường gặp
google news

Hôi miệng là một tình trạng hay gặp, có thể ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của từng cá nhân, đặc biệt trong vấn đề giao tiếp.

Hôi miệng là một tình trạng hay gặp, có thể ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của từng cá nhân, đặc biệt trong vấn đề giao tiếp. Nguyên nhân của hôi miệng phức tạp, có thể do yếu tố tại miệng hoặc ngoài miệng, do vậy, cần có sự chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và lập kế hoạch điều trị phù hợp. Trong đó, chải răng và chải lưỡi sạch là một công việc rất đơn giản nhưng có thể tạo hơi thở thơm tho trong khi giao tiếp.

Hôi miệng do nguồn gốc tại miệng

Lưỡi: Lưỡi là vùng có liên quan chặt chẽ nhất với tình trạng hôi miệng. Các vi khuẩn trên lưỡi sinh ra các hợp chất nặng mùi và các acid béo, là nguyên nhân của 80-90% các ca hôi miệng liên quan trực tiếp đến miệng. Một lượng lớn vi khuẩn tìm thấy ở phía sau của mặt lưng lưỡi - vùng tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường - vì đây là vùng khô, ít được làm sạch và quần thể vi khuẩn có thể phát triển mạnh mẽ trên các mảnh thức ăn tồn đọng, xác các tế bào biểu mô và dịch mũi.

 Bệnh nha chu là một nguyên nhân tại miệng gây mùi hôi.
Miệng: Hơn 600 loại vi khuẩn được tìm thấy trong miệng. Hàng chục loại trong số này tạo ra mùi hôi rất khủng khiếp khi ủ trong phòng thí nghiệm. Mùi được sản xuất ra chủ yếu là do sự phân hủy các protein thành các axit amin cá nhân và một số loại axit amin nhất định lại phân hủy sinh ra mùi dễ nhận thấy. Các vùng khác của miệng cũng có thể góp phần vào việc gây mùi tổng thể, tuy nhiên không phổ biến như vùng phía sau của lưỡi như vùng kẽ răng, vùng dưới lợi, phục hình răng sai quy cách, các ổ áp-xe, răng giả không vệ sinh. Các tổn thương răng miệng gây ra do nhiễm virut như Herpes Simplex và HPV cũng góp phần gây ra hơi thở hôi.

Các bệnh lợi: Có một số tranh cãi về vai trò của bệnh nha chu gây ra hôi miệng. Tuy nhiên, bệnh nha chu tiến triển là một nguyên nhân phổ biến của chứng hôi miệng nặng. Các sản phẩm của các vi khuẩn kỵ khí phát triển bên dưới lợi có mùi hôi và đã được chứng minh trên lâm sàng là tạo ra hơi thở hôi rất mãnh liệt. Việc loại bỏ vôi răng dưới lợi (cao răng, mảng bám cứng) và mô dễ vỡ giúp cải thiện tình trạng trên một cách đáng kể. Cần có sự phối hợp giữa việc nạo túi lợi và làm nhẵn bề mặt chân răng với sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn.

Nguồn gốc ngoài miệng

Mũi: Nguồn gốc gây hôi miệng thứ hai chính là mũi. Khí thở từ mũi có mùi cay nồng khác với mùi hôi từ miệng. Nguyên nhân gây hôi miệng từ mũi thường là do viêm xoang hay các cơ quan bên ngoài.

Amidan: Viêm hoặc thoái hóa của amidan góp một phần nhỏ vào chứng hôi miệng. Vôi hóa các hốc amidan (gọi là sỏi amidan) gây ra mùi rất hôi khi thở.

Thực quản: Thoát vị thực quản hay trào ngược dạ dày thực quản cho phép axid đi qua thực quản và thoát khí ra ở miệng. Túi thừa Zenker (túi thừa hầu-thực quản) cũng có thể gây ra hơi thở hôi do sự chuyển hóa các thực phẩm được giữ lại trong thực quản.

Dạ dày: Dạ dày được coi là một nguồn gốc rất phổ biến của hơi thở hôi. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc có lỗ rò giữa thực quản và dạ dày thường gây ra tình trạng hôi miệng nặng nề.

Xử trí hôi miệng có khó không?

Nếu hơi thở hôi liên tục và các yếu tố nha khoa và bệnh lý khác đã được loại trừ, việc kiểm tra chuyên khoa và điều trị là bắt buộc. Các phòng khám nha khoa có thể chẩn đoán chứng hôi miệng nhờ một số phương pháp được dùng trong phòng thí nghiệm cũng như điều trị. Các phương pháp điều trị được gợi ý bao gồm:

Làm sạch lưỡi

Làm sạch lưỡi nhằm kiểm soát hơi thở có mùi. Đây cũng là một việc hết sức quan trọng, có thể kiểm soát được và rất có hiệu quả. Đừng nên quên động tác chải lưỡi khi chải răng. Có thể sử dụng bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi, thậm chí một chiếc muỗng cà phê lật ngược để loại bỏ sạch màng vi khuẩn, các mảnh vỡ và chất nhày bám trên lưỡi. Nên tránh cạo mạnh làm tổn hại lưỡi và cũng cần tránh cạo vào vùng hàng rào vị giác chữ V ở cực sau của lưỡi. Chải mặt lưỡi bằng một lượng nhỏ nước súc miệng diệt khuẩn hoặc gel làm sạch lưỡi sẽ ngăn chặn các hoạt động tiếp diễn của vi khuẩn.

Ăn một bữa sáng lành mạnh với các thức ăn thô để làm sạch mặt sau của lưỡi.

Nhai kẹo cao su: Khô miệng làm tăng sự tích tụ vi khuẩn và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm hơi thở có mùi. Nhai kẹo cao su không đường giúp tăng tiết nước bọt, do đó làm giảm hôi miệng.

Súc miệng trước khi ngủ với nước súc miệng: Một số loại nước súc miệng trên thị trường có tác dụng giảm mùi hôi trong nhiều giờ. Nước súc miệng có thể chứa một số thành phần hoạt hóa mà có thể bị bất hoạt bởi xà phòng trong kem đánh răng. Vì thế, người ta khuyên không nên súc miệng ngay sau khi chải răng hoặc dùng nước súc miệng khi chải răng mà nên dùng trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả cao nhất.

Duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày: bao gồm đánh răng, làm sạch lưỡi, dùng chỉ nha khoa, khám nha sĩ theo định kỳ.

Liệu pháp tâm lý: Cũng cần lưu ý rằng, có khá nhiều bệnh nhân bị mắc chứng hôi miệng ảo tưởng. Những bệnh nhân này bị ám ảnh về hơi thở hôi hay chứng ảo tưởng hôi miệng. Họ chắc chắn rằng mình bị hôi miệng mà không hề hỏi ý kiến người khác để nhận được một lời nhận xét khách quan. Do vậy, liệu pháp tâm lý hết sức quan trọng đối với những bệnh nhân này.

TS. Võ Trương Như Ngọc - BS. Vũ Thị Vân

Có thể tự nhận biết hôi miệng không?

Các nhà khoa học cho rằng, người ta rất khó tự nhận biết mùi riêng của mình do tính thích nghi mặc dù họ có thể nhận ra mùi của người khác. Một số người cho rằng họ có hơi thở hôi do các vị ngoại lai như vị kim loại, vị chua, vị của thức ăn phân hủy… mặc dù các vị này hầu như chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong việc sinh mùi. Vì lí do này, cách đơn giản và hiệu quả nhất để biết liệu mình có bị hôi miệng không là hỏi ý kiến của một thành viên người lớn trong gia đình hoặc một người bạn thân tín. Nếu họ xác nhận rằng bạn có vấn đề về mùi hơi thở, họ có thể giúp bạn xác định xem mùi đó có nguồn gốc từ miệng hay mũi cũng như thẩm định xem các phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Một cách phổ biến để xác định sự hiện diện của hôi miệng là liếm vào mặt sau của cổ tay, để khoảng 1-2 phút cho nước bọt khô và ngửi. Test thử này thường đưa ra chẩn đoán quá mức, vì vậy cũng không nên dùng. Cách tốt hơn là cạo nhẹ vùng phía sau mặt lưng lưỡi bằng một thìa cạo bằng nhựa, sau đó ngửi mùi chất bã khô. Một test hóa học tại nhà để kiểm tra sự hiện diện của polyamins và hợp chất lưu huỳnh là sử dụng miếng gạc lau lưỡi. Hơn nữa, vì mức độ mùi thay đổi suốt cả ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, cần thiết phải tiến hành nhiều thử nghiệm.

Ngọc Như


Ý kiến của bạn