Hơi lạnh tình người

29-01-2013 15:09 | Thời sự
google news

Lại một cái Tết nữa chìm trong suy thoái. Bà bán vé số đã hơn bảy chục tuổi nói với tôi: “Chú mua cho vài tờ để già còn có tiền mua gạo”. Tôi ngơ ngác nhìn bà.

Lại một cái Tết nữa chìm trong suy thoái. Bà bán vé số đã hơn bảy chục tuổi nói với tôi: “Chú mua cho vài tờ để già còn có tiền mua gạo”. Tôi ngơ ngác nhìn bà. Cái dáng liêu xiêu gầy gò của bà lão như nổi lên trong buổi chiều mùa đông lạnh buốt. Tim tôi se lại. Chợt tôi nhớ đến một cụ bà bị đám con cái đuổi ra khỏi nhà. Câu chuyện quá bất nhẫn đó xảy ra ở một xã nhỏ của tỉnh Vĩnh Long. Đứa con trai lớn nhất của bà – một kẻ không hề có tiền sử về bệnh tâm thần, vừa quăng túi quần áo của người mẹ ra ngoài sân, vừa tiện tay ném luôn cả ảnh thờ của người cha đã quá cố. Chỉ có điều, gã vẫn không quên giữ lại mấy lư hương đồng sáng choang có giá.

Lại một cái Tết nữa sắp đến. Trên đường phố, người ta vẫn nhìn thấy bóng những người phụ nữ lớn tuổi bán vé số dạo, những người mà tổ ấm gia đình là cả một khái niệm xa xỉ đối với họ. Tết năm nay, mọi chuyện dường như còn khó khăn hơn Tết năm ngoái. Có nơi lương của công nhân bị nợ, còn thưởng Tết thì chờ dài cổ mà chẳng thấy đâu. Ban giám đốc một số doanh nghiệp còn lên lịch “công tác” ở đâu đó để tránh mặt anh em trong công ty.

Ai đó nói rằng kinh tế suy thoái, người dân mua vé số nhiều hơn. Nhưng nói là một chuyện, còn thực tế của những người không nhà cửa, không con cái lại là một chuyện khác. Một trong những người như thế phải sống ở gầm cầu. Mà cũng còn là may mắn, bởi có được chỗ ấm áp hơn mấy cái hõm bị gió lùa lạnh ngắt cả ngày lẫn đêm. Trước đây, người đàn bà này đã từng có một gia đình yên ấm, có thể nói là hạnh phúc. Nhưng thời gian lại kéo theo cái khắc nghiệt của nó. Những đứa con lớn dần và khi đã qua cái tuổi trưởng thành, chúng cũng nhận thức về vai trò không còn cần thiết của bà mẹ già. Tài sản bắt đầu được nhăm nhe, dằn vặt. Thời gian trôi qua cũng hun đúc dần những tư tưởng về chia chác của thừa kế. Chưa cần mẹ chết vẫn có thể kế thừa tài sản được mà. Ngôi nhà - tài sản lớn nhất mà người mẹ đã dành dụm chiu chắt cả một đời - được những đứa con báo hiếu bằng cách ép mẹ phải rao bán. Bán với giá rẻ cho một người quen, rồi người quen này lại phải làm thêm động tác “lại quả” cho một trong những đứa con thật có hiếu ấy. Cuối cùng, bà mẹ tay trắng, bắt đầu cuộc sống lang thang như chưa từng có một gia đình trong cuộc đời mình.

Vô số, vô cùng cảnh thương tâm trong hiện tình xã hội. Lại chợt nhớ đến những câu chuyện tương tự ở Trung Quốc. Cũng không khác gì ở ta, cũng là cảnh tượng con cái hùa nhau hắt hủi cha mẹ, mỗi đứa xắt ra một miếng tài sản, chỉ còn thiếu nước đưa luôn miếng vật chất đó lên bàn thờ, thay thế cho ông bà tổ tiên của chúng. Chỉ mới vào cuối năm 2012, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã phải ra một đạo luật quy định về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Có nghĩa là nếu con cái thiếu trách nhiệm, họ sẽ bị xã hội lên án và cả bị pháp luật “sờ gáy”.Ở ta, cũng đã không ít trường hợp người ta nói đến chuyện pháp luật cần phải lên tiếng đối với những đứa con bất nhẫn. Hoặc ít nhất cũng là giáo dưỡng, cải tạo lao động. Thế nhưng ngày tháng trôi qua, vẫn chưa có một hành động thích đáng nào khiến cho câu chuyện bất hiếu vô đạo với cha mẹ vẫn diễn ra, để cứ mỗi cái Tết đến lại cuốn theo hơi lạnh và cả sự ghẻ lạnh tình người.

Dũng Hà


Ý kiến của bạn