Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người khá quen thuộc của khán giả màn ảnh nhỏ về đề tài nông thôn và nông dân, đặc biệt là sau khi thành công từ cú ăn ba qua các phim: Đất và Người, Ma làng và Gió làng Kình.Hiện nay, ông chuẩn bị khởi quay Ma làng 2 với một tên gọi khác Làng Bâm Dương 10 năm sau. Khán giả màn ảnh nhỏ đang hồi hộp, mong ngóng ở tài năng của nhà đạo diễn gạo cội này.
Đề tài nông dân và nông thôn khẳng định vị thế phim Việt
Có thể nói, đề tài nông dân và nông thôn không xa lạ gì đối với điện ảnh và truyền hình nước ta từ vài chục năm trở lại đây với các phim như: Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy của Phạm Văn Khoa, Lều chõng của Nguyễn Thanh Vân, Đất phương Nam của Nguyễn Vinh Sơn, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Phan Quang Bình, Bí thư tỉnh ủy của Nguyễn Quốc Trọng..., đặc biệt là gần đây với các phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, bộ mặt nông thôn cũng như số phận người nông dân Việt Nam ngày càng được khắc họa đậm nét hơn với những góc nhìn đa chiều rất hiện thực và gần gũi với cuộc sống đời thường của người nông dân.
Ông “Phần nông thôn” là người rất trung thành với mảng đề tài này. Dường như đây là “món nợ” mà với tư cách một nghệ sĩ ông cần phải trả cho bà con nông dân, nơi đã từng sinh ra và nuôi lớn ông. Hơn nữa, sau thắng lợi lớn về đề tài này, đây vừa là cơ hội vừa là áp lực đối với ông khi bắt tay khởi quay Làng Bâm Dương 10 năm sau.
Về phía khán giả, nhất là nông dân, người ta có quyền đòi hỏi và hy vọng ở ông, bởi đấy là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Có thể coi đây là một thị trường rất rộng lớn, đầy tiềm năng để các nhà làm phim cũng như truyền hình nói riêng và những ai quan tâm đến mảng đề tài này vươn tới và chiếm lĩnh thị phần.
Cảnh trong phim Ma làng. |
Tiết lộ những bí mật về Ma làng 2
Tuy đã được đổi tên thành Làng Bâm Dương 10 năm sau để khỏi bị coi là ăn theo Ma làng 1 nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn không giấu nổi sự phấn khích đến say sưa của mình khi nói về Ma làng 2. Ông cho biết phần 2 của Ma làng vẫn lấy bối cảnh cũ, tức là kể tiếp câu chuyện về làng Bâm Dương, nhưng vào thời điểm sau đấy khoảng 10 - 15 năm, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến những năm đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI. 10 năm hay 15 năm đối với lịch sử một dân tộc là quãng thời gian chưa phải dài, nhưng với một vài làng quê Việt trong cơn lốc kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, có thể thời gian ấy đã đủ để tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới hoặc chí ít cũng có nhiều đổi thay, mà có lúc có nơi đến chóng mặt, khiến nhiều người không thể ngờ tới.
Mới cách đây mươi, mười lăm năm về trước, nhiều mái nhà tranh xiêu vẹo, teo tóp bám trụ dưới chân bờ đê hay nấp sau lũy tre làng, nhiều nhà cấp 4 lợp ngói xuống cấp xập xệ, nay đã được thay bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố đứng sừng sững, ngạo nghễ như là câu trả lời của chủ nhân nó trước bàn dân thiên hạ rằng đấy là kết quả của kinh tế thị trường, của những cái đầu dám nghĩ, dám làm. Nhiều khu đất thuộc diện “bờ xôi, ruộng mật” nay đã biến thành những khu du lịch, dịch vụ hiện đại như quán karaoke, café đèn mờ, xông hơi mát xa, spa... mọc lên như nấm. Nhiều ao vườn nay biến thành nhà máy công xưởng. Đấy là kết quả của nền kinh tế mở cửa và hội nhập mang lại. Nhưng cũng từ đó mà nhiều người trước đây say sưa với “ông khoán hộ” (khoán 10) mạnh dạn bung ra làm ăn để tự cứu mình, cũng là tạo đà cho bà con nông dân học tập noi theo, nay bỗng dưng biến thành kẻ tham nhũng với đủ loại biến tướng.
Cũng là những người nông dân của làng Bâm Dương 10 năm về trước, nay có những người chỉ sau một đêm ngủ dậy, bỗng chốc có tiền tỷ trong tay vì trúng quả đất quy hoạch được các chủ dự án đền bù. Với những người này, cơ hội đổi đời không còn là một cái gì đó quá xa vời. Nhưng cơ may không phải lúc nào cũng chia đều cho tất cả mọi người, bởi ngay sát cạnh người có tiền tỷ, vẫn còn không ít những người nông dân cứ hai sương một nắng, những mong có đủ cơm ăn áo mặc. Con gà tức nhau tiếng gáy, cả làng sôi sục lên như một cái lò thiêu, đi đâu, lúc nào người ta cũngđau đáu suy nghĩ và bàn tán với nhau rằng cần phải làm gì để giàu nhanh lên được như người. Nhiều kẻ nhân cơ hội này đã làm giàu bằng mọi cách, mọi thủ đoạn. Sự sốt ruột làm giàu từ thói quen và tâm lý nông dân bám chặt vào tiềm thức họ hàng nghìn đời nên dễ dẫn đến có những người cách đây 10 năm là tốt, nay biến thành kẻ ác, người xấu.
Về bối cảnh và tuyến nhân vật của Làng Bâm Dương 10 năm sau, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cơ bản vẫn được giữ nguyên. Chỉ có điều khiến nhiều người không mấy an tâm là nếu như Ma làng 1 được làm bằng kinh phí Nhà nước thì Ma làng 2 lại làm bằng tiền của công ty truyền thông, chắc chắn sẽ có nhiều áp lực. Liệu ông “Phần nông thôn” có đủ sức vượt qua áp lực đó không?.
HÀ THU