Hôm nay, hàng trăm nghìn thí sinh sẽ biết mình trượt hay đỗ ĐH, CĐ 2013 |
Trong khi các trường ĐH tốp trên đã yên ổn với đầu vào điểm cao chót vót thì phần lớn các trường ĐH tốp dưới đang hồi hộp chờ công bố điểm sàn của Bộ GD-ĐT vào hôm nay,8-8. Theo thống kê ban đầu được Bộ GD-ĐT tiết lộ, điểm bình quân các khối thi năm nay tăng cao hơn so với năm trước rất nhiều. Trong đó, khối A đạt 13,29 điểm, khối A1: 12,85 điểm, khối B: 14,43 điểm, khối C: 13,61 điểm và khối D: 13,41 điểm. Được biết, năm 2012 điểm bình quân của khối A: 10,5 điểm, khối A1: 11,3 điểm, khối B: 11,5 điểm, khối C: 12,1 điểm và khối D: 12,6 điểm.
Dù chưa có điểm sàn nhưng các trường tốp đầu đã đưa ra điểm trúng tuyển dự kiến rất cao, có thể tăng 4-6 điểm so với năm trước, nhất là các trường khối y - dược. Chính vì điểm chuẩn cao như vậy nên nhóm trường này không mấy bận tâm tới điểm sàn. Trái ngược với điều này, các trường ĐH có mức điểm chuẩn bằng với điểm sàn năm trước đang “nóng như lửa đốt” trước khả năng điểm sàn có thể tăng theo mức điểm bình quân. Về cách tính điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết có hai cách, thứ nhất là kiến nghị xác định điểm sàn dựa vào năng lực của thí sinh có thể học tập được ở bậc ĐH,CĐ. Cách tính thứ hai, dựa vào phổ điểm kết quả thi của thí sinh để quyết định mức điểm sàn hợp lý.
PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng: “Phương án điểm sàn xác định dựa vào năng lực của thí sinh có thể học tập được ở bậc ĐH,CĐ, không xác định rõ, chung chung quá. Tôi ủng hộ cách xác định điểm sàn theo phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Tuy nhiên, trước áp lực thiếu nguồn tuyển khối các trường ngoài công lập, Bộ nên mở rộng dải điểm để cho các trường ngoài công lập dễ tuyển hơn”. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đồng tình khi cho rằng đề thi khó thì điểm thấp, đề thi dễ thì điểm cao, vì vậy điểm sàn phải dựa vào kết quả thi của thí sinh thay vì dựa vào năng lực thí sinh có thể học ĐH khi chưa có tiêu chí rõ ràng.
Không muốn tăng điểm sàn
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng, cho rằng tăng điểm sàn sẽ khiến các trường rơi vào khó khăn. Nếu các trường công lập lấy điểm xét tuyển 17-18 thì các trường ngoài công lập mới còn cơ hội tuyển được thí sinh, còn thấp hơn thì hy vọng sẽ giảm dần. “Theo quan điểm của tôi thì khối A, A1 không nên tăng mà giữ nguyên như năm trước, 13 điểm là hợp lý. Với mức này, nguồn tuyển được cải thiện, sẽ dồi dào hơn. Khối C có thể nhích hơn một chút, khối B, D tăng 1 điểm” - GS Trần Hữu Nghị nói.
“Bộ cũng cần tạo mức điểm sàn khoa học, khách quan, đúng thực chất cho các trường tuyển” – ông Phan Huy Phú , Hiệu trưởng trường ĐHDL Thăng Long cho biết. Được biết, ĐHDL Thăng Long cũng như nhiều trường ĐH khác đang sốt ruột chờ Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm sàn vì năm nay trường lấy điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. “Hàng năm, nguyện vọng 1 vào trường chiếm khoảng 20-30% chỉ tiêu. Số chỉ tiêu còn lại phụ thuộc vào nguyện vọng 2 và 3. Việc tuyển sinh đầu vào của trường năm nay như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT để đảm bảo thí sinh từ điểm sàn trở lên phải lớn hơn chỉ tiêu ĐH, CĐ. Chúng tôi hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ có những quyết định phù hợp tránh tình trạng đẩy các trường ngoài công lập vào tình trạng khan hiếm nguồn tuyển.” – ông Phan Huy Phú chia sẻ.
Về việc tham gia góp ý với Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT, phía Hiệp hội các trường ngoài công lập cho biết, họ đã có ý kiến từ trước mùa tuyển sinh và đang chờ đợi Bộ GD-ĐT có thực hiện các kiến nghị này không. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ GD-DT nên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng phổ điểm thi ĐH, CĐ để xã hội có cơ hội giám sát chất lượng của đề thi và tính hợp lý của phương án điểm sàn mà Bộ chọn.
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Bộ sẽ tính toán điểm sàn để thí sinh có được nhiều cơ hội đỗ nhất. Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy khoảng 605.000/1,3 triệu thí sinh dự thi thì điểm sàn sẽ được đưa ra ở mức sao cho số thí sinh trúng tuyển vượt tổng chỉ tiêu 1,5 lần để tạo nguồn tuyển cho các trường, đặc biệt là trường ở địa phương, trường khối ngoài công lập.