Trong lúc hội họa đang phải bươn chải cùng với cuộc suy thoái kinh tế thì mảng hội họa trừu tượng nói riêng có lẽ chật vật hơn cả. Những họa sĩ đang duy trì dòng tranh này chủ yếu vì niềm đam mê chứ chưa ai dám nghĩ tới, một ngày tranh trừu tượng sẽ trở thành món ăn tinh thần của số đông. Điều đáng nói là thực trạng này dường như chỉ diễn ra tại Việt Nam...
Quốc tế sôi động
Trên thế giới, tranh trừu tượng là mảng hội họa khá "sang chảnh" và nằm trong nhóm nghệ thuật cực kỳ đắt giá. Dòng tranh này mang lại bạc tỉ cho các tác giả và những nhà buôn bán tranh trên khắp thế giới. Thậm chí, giá trị thực tế của tranh trừu tượng sẽ khiến không ít người ngoại đạo phải kinh ngạc. Bức tranh 'Onement VI' của họa sĩ thuộc trường phái trừu tượng Barnett Newman được bán đấu giá tại nhà cái Sotheby's năm 2013 với giá lên đến 43,8 triệu USD (hơn 923 tỷ đồng); Năm 2007, một bức tranh của danh họa Mark Rothko vẽ từ năm 1950 cũng được bán với giá 74,9 triệu USD (hơn 1.578 tỷ đồng). Một tác phẩm khác ra đời năm 1951, được cho là lấp đầy mọi giác quan của người xem bằng một màu xanh tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, hiếm ai có thể cảm nhận được hết ý nghĩa của bức tranh một màu duy nhất này và số tiền khổng lồ để sở hữu nó gây bất ngờ cho rất nhiều người. Tranh của Picasso cũng được liệt vào danh sách những bức tranh đắt giá nhất hành tinh, dù số đông công chúng gần như không hiểu hết ý nghĩa của các tác phẩm. Vậy điều gì đã làm cho dòng tranh trừu tượng có giá trị lớn đến như vậy trên thế giới.
![](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/2015/1-1440697645390.jpg)
Khó hiểu - Một nguyên nhân khiến tranh trừu tượng càng trở nên xa lạ đối với công chúng.
Theo ghi chép, nghệ thuật trừu tượng là trào lưu hội họa đầu thế kỷ 20. Trường phái này xuất hiện ban đầu ở nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Nga. Về sau nó trở thành một trào lưu quốc tế và đạt đỉnh cao vào giữa thế kỷ 20. Nghệ thuật trừu tượng không thể hiện đối tượng một cách hiện thực như mắt nhìn thấy mà biểu thị những ý nghĩ, cảm xúc của nghệ sĩ về một vài nét nào đó của đối tượng. Trong nghệ thuật tạo hình, trừu tượng là sự phát huy yếu tố biểu đạt của đường nét, hình khối, màu sắc để thể hiện ý tưởng hay cảm xúc. Trừu tượng cũng tồn lại nhiều dạng: trừu tượng hình học, trừu tượng sáng tạo, trừu tượng biểu hiện... Hội họa trừu tượng giống như sự kết hợp của lập thể và dã thú, lập thể về hình khối và dã thú về màu sắc. Trừu tượng có thể xem như hệ quả tất yếu của lập thể. Khi trường phái lập thể đi đến thoái trào, nhiều họa sĩ lập thể chuyển sang vẽ trừu tượng. Trên thế giới, hai họa sĩ chuyển hướng đầu tiên là Robert Delaunay và Frank Kupka.
Trầm lắng trong nước
Ở Việt Nam, tranh trừu tượng được giới chuyên môn định nghĩa là thể loại tranh trong đó hình ảnh, chi tiết của các vật thể cụ thể đã bị loại ra, vì thế loại tranh này đòi hỏi khả năng biểu đạt cảm xúc cao độ thông qua các đường nét, màu sắc, hình khối... Tranh trừu tượng cũng chia làm nhiều trường phái tranh nhỏ hơn: tranh trừu tượng biểu hiện, tranh trừu tượng sáng tạo, tranh trừu tượng biểu hiện... Có thể nói, khái niệm này dễ hiểu hơn so với ghi chép trong các tài liệu được tìm thấy về hội họa trừu tượng thế giới. Nhưng suy cho cùng, tranh trừu tượng vẫn là điều khó... giải thích.
Cũng tại nước ta, những tên tuổi lớn trong giới hội họa theo đuổi dòng tranh này hầu như chỉ có thể nhắc đến Tạ Tỵ, người được coi là ông tổ tranh trừu tượng Việt Nam. Nhưng những tác phẩm giá trị của ông lại được xếp vào hạng "vang bóng", chúng không có được sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công chúng thời nay. Các họa sĩ thuộc thế hệ trẻ đang dấn thân với hội họa trừu tượng cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật hơn cả phải kể đến nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh. Hoạt động gần đây nhất của anh là cuộc trưng bày 500 tranh siêu thực và trừu tượng. Tham gia nghệ thuật lâu năm, từng trưng bày tranh tại 15 quốc gia, nhưng "Trần" là triển lãm cá nhân đầu tiên của Đào Anh Khánh tại chính quê hương.
Cuộc hành trình của Đào Anh Khánh trên con đường nghệ thuật mang tên hội họa trừu tượng còn có những người bạn đồng hành Dương Thùy Dương, Đặng Tú Thư và Nguyễn Thị Minh Tâm. Những ngày vừa qua, "bộ ba" nữ họa sĩ trẻ này đã trình diễn trước công chúng yêu hội họa cuộc triển lãm mang tên "Ngày thứ 8” tại một khách sạn ở Hà Nội. Vượt ra ngoài các khuôn khổ khái niệm thông thường, “Ngày thứ 8” là thời gian và cả không gian tinh thần của người nghệ sĩ, là nơi và lúc họ chìm đắm trong thế giới nội tâm của riêng mình, chắp cánh tự do cho năng lượng và sự sáng tạo của tâm hồn nghệ sĩ trong giới hạn vô cùng của bản ngã, tôn giáo và thế giới khách quan.
Triển lãm “Ngày thứ 8” với không gian sáng tạo nghệ thuật đầy cảm xúc đã để lại những ấn tượng đa dạng. Lúc nhìn vào những khoảng tối để thấy tia sáng vụt lóe một cách trừu tượng, lúc lại như đang chìm đắm vào thế giới của những linh hồn tiến hóa theo quy luật vòng xoáy vũ trụ, và khi lại lạc vào thế giới hội họa biểu hình và khuynh hướng siêu thực mới. Đáng tiếc, “Ngày thứ 8” cũng như một số triển lãm hội họa trừu tượng trước đó không thu hút được đông đảo khán giả bởi ai cũng nghĩ xem tranh trừu tượng không thể cảm thụ được ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Và phải chăng đây là vật cản hội họa trừu tượng nước nhà vươn lên vẫn là những khoảng trống mênh mang trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.
Việt Sơn