Như góp một tiếng nói có sức lan tỏa rất lớn đến nhận thức cũng như nối vòng tay lớn khắp mọi miền đất nước, những bộ tranh họa lại cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu như những lời cảnh báo dễ hiểu khiến mọi người đều giật mình thức tỉnh.
Ý nghĩa của một chủ đề
Đây là thời điểm mà người nghệ sĩ hiện đại cũng rất quan tâm tới chủ đề thời sự, cảm hứng hội họa có thể xuất phát từ những sự việc diễn ra hàng ngày trong đời sống cộng đồng. Trong đó thiên tai luôn là một trong những vấn đề được cả thế giới và mỗi dân tộc quan tâm, theo dõi. Nắm bắt được điều này, nhiều loại hình nghệ thuật như phim ảnh, sân khấu, âm nhạc đã tập trung phản ánh và cho ra những tác phẩm thực sự ấn tượng, mang lời hiệu triệu mạnh mẽ tới nhận thức của cộng đồng. Riêng hội họa trong nước, cho tới gần đây mới xuất hiện những họa sĩ và tác phẩm thực sự ấn tượng về chủ đề thiên tai. Một phần góp sức không nhỏ mang những bộ tranh này đến với công chúng là sự lan tỏa sâu rộng của cộng đồng mạng.

Tác phẩm Điều sóng thần muốn nói.
Năm ngoái, ICPC - Cuộc thi vẽ tranh quốc tế diễn ra hàng năm với chủ đề môi trường, dành cho các em thiếu nhi từ 6 - 14 tuổi do Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Tổ chức Hòa bình toàn cầu của Nhật Bản (FGPE) cùng các Tập đoàn Bayer, Nikon đồng tổ chức đã thực sự gây ấn tượng với nhiều nước trên thế giới. Những tác phẩm của “họa sĩ nhí” trên thế giới nghĩ về biến đổi khí hậu toàn cầu thực sự khiến mọi người sửng sốt, trước hết là trí tưởng tượng của các em, sau nữa là ngẫm nghĩ về tình trạng nguy kịch của trái đất do sự thiếu ý thức gìn giữ của con người. Đằng sau tiếng cười khi ngắm các bức tranh vẽ Chim cánh cụt sống trong tủ lạnh, Trái đất giống như chú chuột bị sập bẫy, Gấu Bắc Cực mặc bikini... là sự hoang mang, câu hỏi làm thế nào để cứu lấy môi trường nguyên sơ, trong lành của trái đất, cũng là bảo vệ ngọn nguồn sự sống của con người.
Bên cạnh yếu tố nghệ thuật, tranh về thiên tai, biến đổi khí hậu khẳng định giá trị to lớn với vấn đề thời sự nóng hổi đi cùng với hành trình phát triển của đất nước. Và hơn cả, chúng thể hiện tấm lòng người nghệ sĩ, không phân biệt trẻ già, đẳng cấp với nỗi khó nhọc, những nguy cơ tiềm ẩn mà cả cộng đồng phải cùng giang tay góp sức để đẩy lùi.
Giá trị cộng đồng
Bám sát chủ đề thiên tai, hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng với cảm hứng trữ tình rõ nét, mới đây, bộ tranh Đôi bàn tay do họa sĩ trẻ Thăng Fly sáng tác, nội dung kể về những mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung sau những đợt bão lũ liên miên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã gây sốt trong giới trẻ. Đặc biệt hơn nữa, bộ tranh dựa trên ca khúc cùng tên của ban nhạc Bức Tường càng gây ám ảnh và dậy nên tình thương đối với đồng bào ruột thịt. Khác với nét vẽ vui tươi, sáng sủa trong các bộ tranh của các họa sĩ trẻ, Đôi bàn tay họa lại không khí u ám, thương tâm: cảnh các đợt lũ dâng cao ngập lút mái nhà, những người dân phá ngói vẫy tay cầu cứu... Trên nền ca khúc của ban nhạc Bức Tường: “Sóng gió cuộc đời chợt đến có ai chờ đợi/ Biết đâu một ngày phận người que diêm trước gió/ Nhưng với muôn triệu người/ Hơi ấm sẻ chia từng người/ Nắm đôi tay trần, dìu nhau qua cơn khốn khó...” càng thêm phần ý nghĩa. Trong thời điểm nhiều chiến dịch kêu gọi quyên góp, cứu trợ đồng bào miền Trung, bộ tranh đã góp thêm một lời kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ vô cùng ấn tượng.
Cũng cuối tháng 10 vừa qua, loạt tranh Điều sóng thần muốn nói do họa sĩ Trần Bình cảm tác từ sự dữ dội của thiên tai, sự khó lường của biến đổi khí hậu dù mới ra mắt vài bức nhưng đã nhận được sự quan tâm nhờ triết lý Phật giáo sâu sắc. Là một người con của Quãng Ngãi, họa sĩ Trần Bình cảm nhận sâu sắc những nỗi khó nhọc đến từ sự nổi dậy của thiên nhiên với người dân quê hương mình. Họa sĩ không tả thực từng chi tiết như tranh của Thăng Fly mà tạo cảm nhận cho công chúng qua hình tượng con người với những khuôn mặt, bàn tay, ánh mắt và cả sức mạnh cuồng phong của biển cả. Đặc biệt, các bức tranh vẽ sóng thần được lấy cảm hứng từ hình ảnh biển cả: với trắng của bạc quỳ, vỏ trứng, đen của sơn then tro bếp và cả vỏ ốc, vỏ trai từ biển cả. Mẫu son đỏ của đất đá và vàng ròng.
Những giá trị nghệ thuật in đậm dấu ấn của nghệ sĩ nhưng vẫn mang tính cộng đồng, góp tiếng nói vào đời sống phong phú, hiện đại luôn có giá trị và ý nghĩa rất lớn. Chủ đề thiên tai, biến đổi khí hậu trong hội họa chính vì thế nên được phát triển hơn nữa, chắc chắn đó sẽ là một dòng tranh thu hút công chúng không kém những chủ đề cao siêu, đẳng cấp.
Hạnh Dung