Một nữ họa sĩ trẻ tâm sự, người họa sĩ không nên đi theo lối mòn thành công nào đó, những tác phẩm của họ phải có tác động tích cực, để người xem cảm thấy yêu đời hơn, lạc quan hơn và mạnh mẽ hơn khi ngắm nhìn. Vẽ tranh, đấu giá tranh để thiện nguyện nếu chỉ nhìn ở góc độ san sẻ gánh nặng với người nghèo thì có lẽ chưa đủ. Hiện nay, giới trẻ có nhiều hình thức thiện nguyện mà hội họa đóng vai trò cầu nối đã vượt lên cả những giá trị vật chất.
Trên tinh thần đó, những buổi đấu giá tranh từ thiện được tổ chức thời gian gần đây đã thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng. Loạt tranh độc đáo và sáng tạo của các em học sinh Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn trong những ngày qua đã để lại nhiều ấn tượng. Các bức tranh được bán đấu giá đa dạng cả về chủ đề cũng như chất liệu, từ cắt dán ảnh đến hội họa và điêu khắc. Có những bức tranh đã được đặt lên đến hàng trăm đôla. Buổi đấu giá kết thúc, hơn 100 triệu đồng đã được thu về để gây quỹ ủng hộ từ thiện.

MC Đỗ Phương Thảo phỏng vấn và trò chuyện cùng họa sĩ trẻ Karishma Kannan.
Vấn đề là người ta ít quan tâm đến con số thu về từ sự kiện này, mà điều ý nghĩa hơn chính là giá trị tinh thần và nghệ thuật mà BTC mang lại. Những “họa sĩ” vốn là học sinh tiểu học và trung học của Trường Renaissance đã dành toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo cho sự kiện. Cách thức tổ chức sự kiện cũng rất thú vị, các em học sinh đảm nhận các vai trò khác nhau trong buổi đấu giá, từ người điều hành, người tham dự, vận chuyển, hoạt náo viên... Đây là lần thứ hai Trường Renaissance đứng ra tổ chức chương trình với tất cả số tiền thu được sẽ được quyên góp cho “Mái ấm Gò Vấp”.
Trong khi đó, một vài cá nhân khác cũng chọn hội họa là cầu nối để họ đến gần hơn với trẻ em nghèo. Tổ chức thành công hai triển lãm gây quỹ cho trẻ em nghèo “Mùa trong mắt” và “Phút đồng dạng”, chỉ trong năm 2013, Trần Nữ Vương Linh đã vẽ thêm được rất nhiều bức tranh và đang ấp ủ những ước mơ thật lớn dành cho trẻ em nghèo.
Vương Linh năm nay mới 23 tuổi. Trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, cô cũng đã bán tranh được 12 triệu đồng và chuyển tiền cho Ban tổ chức làm từ thiện. Khi nhận thấy niềm đam mê hội họa là hướng đi mà mình cần phải đến, cô quyết định tổ chức triển lãm. Lần đầu thực hiện “Mùa trong mắt” khá may mắn với Vương Linh. Cô bán được 12 bức tranh và thu về 50 triệu. Triển lãm thứ hai, “Phút đồng dạng” chỉ bán được 1 bức nhưng lại đồng thời bán được những tấm ảnh in tranh và đĩa CD sáng tác. Hiện nay, cô gái trẻ đang xây dựng và phát triển Tổ chức từ thiện cá nhân Tâm Thanh với chức năng tổ chức các dự án nghệ thuật, từ thiện nghệ thuật dành cho trẻ em khuyết tật và mắc bệnh hiểm nghèo.
Toàn bộ số tiền Vương Linh thu được từ hai đợt triển lãm, bán những đĩa CD, những tấm tranh nhỏ... đều được cô dùng làm từ thiện. Linh đã về Thạch Thất trao quà cho một số trường học tại đây thông qua Hội Người mù huyện Thạch Thất. Cô mua các món quà trao tận tay những trường hợp cụ thể. Cô muốn tự tay làm mọi thứ! Có một số chương trình cần đến tranh để bán gây quỹ từ thiện, Linh cũng sẵn sàng giúp đỡ và tặng tranh cho họ.
Hội họa sưởi ấm lòng người, thông điệp này có lẽ đã lan tỏa mạnh hơn cả sức tưởng tượng của người trong cuộc, thậm chí những họa sĩ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm và tìm đến với trẻ em nghèo Việt Nam. Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12/2013, triển lãm tranh mang tên “Sắc màu yêu thương” của nữ họa sĩ đến từ đất nước Ấn Độ Karishma nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em Việt Nam cũng tạo nên sức hút mạnh mẽ từ công chúng. Đồng hành với chương trình và kêu gọi mọi người mua 31 bức tranh trong buổi triển lãm và thu về số tiền hơn 226 triệu đồng.
Nói về Karishma Kannan - nữ tác giả của Sắc màu yêu thương, hẳn là không ít người thưởng ngoạn sẽ cảm thấy bất ngờ. Mới tròn 22 tuổi, Karishma Kannan là một họa sĩ không chuyên bị hội chứng Down. Vượt lên khó khăn, Karishma Kannan thể hiện niềm đam mê đối với hội họa, những nét vẽ của cô được giới chuyên môn đánh giá là “tràn đầy sự phóng khoáng với những khối màu tươi sáng, thể hiện một tâm hồn thuần khiết và tràn ngập tình yêu thiên nhiên”. Năm 2011, triển lãm tranh Karishma được tổ chức lần đầu tiên đã đạt được nhiều thành công, bán được 45 bức tranh và gây tiếng vang lớn. Toàn bộ số tiền bán tranh là 250 triệu đồng được dùng để gây quỹ, trao tặng lại các trường học, tổ chức, đoàn thể đang nuôi dưỡng, hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc sống. Sự xuất hiện của Karishma Kannan và những tác phẩm “tươi sáng” của cô đã mang đến món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với trẻ em nghèo tại Việt Nam.
Thu Hương