Hội Gióng xuân 2016 tại đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) trong những ngày đầu năm mới đã chính thức diễn ra. Năm nay, lễ hội dân gian truyền thống độc đáo bậc nhất Hà Nội được đánh giá diễn ra an toàn, văn minh song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, đúng với truyền thống cũng như những tiêu chí mà cơ quan quản lý văn hóa cấp nhà nước yêu cầu trước khi lễ hội diễn ra vào tháng 1/2016.
Đảm bảo văn minh lễ hội
Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Còn nhớ, thời điểm này năm ngoái, Hội Gióng trở thành tâm điểm của dư luận khi hàng ngàn người tham dự đã cướp lộc từ kiệu rước lễ không khác gì một cuộc ẩu đả, qua đó tạo nên hình ảnh hỗn loạn rất phản cảm, thiếu lành mạnh và không đúng với truyền thống văn hóa. Trước những phản ứng gay gắt của nhân dân và yêu cầu khắc phục hạn chế từ Bộ VH-TT&DL về “hiện tượng lộn xộn” tại Hội Gióng 2015, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cùng Ban Tổ chức năm nay đã tăng cường công tác an ninh, truyền thông tới nhân dân nhằm đem đến văn minh lễ hội, đúng với cam kết với Bộ VH-TT&DL.
Hội Gióng năm 2016 đã diễn ra văn minh và đậm đà bản sắc văn hóa.
Năm nay, ngày khai hội Hội Gióng từ sáng sớm có 8 đoàn rước tề tựu tại khu di tích đền Sóc chuẩn bị nghi lễ dâng lễ phẩm tế thánh. Sau bài văn tế của chủ lễ, dân làng 8 thôn lần lượt rước giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cầu húc, kiệu... vào sân đền Thượng hành lễ. Và kịch tính của Hội Gióng bắt đầu khi đoàn rước hoa tre rời khỏi đền Thượng về đền Hạ phục lễ. Thanh niên bắt đầu hò reo theo đoàn rước, đám đông đổ dồn theo kiệu rước. Và không như năm ngoái có hiện tượng xô xát, đoàn bảo vệ hộ tống lễ phẩm đã đảm bảo an toàn cho lễ phẩm tới nơi hành lễ. Hết phần nghi lễ, các cụ cao niên hô lệnh tán lộc, hàng rào bảo vệ bên ngoài mở lối cho đám đông vào. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút toàn bộ kiệu giò hoa tre đã được người dân tham gia lễ hội cướp sạch nhằm mang lại sự ấm no, hạnh phúc.
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, năm nay Ban Tổ chức Hội Gióng 2016 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, nên cướp lộc diễn ra an toàn, lễ hội đã diễn ra an toàn, văn minh. Và ước tính, Hội Gióng năm nay có khoảng hơn 10 vạn người dân đã tham dự, tạo nên không khí vui xuân ấm áp, an lành.
Và thấm đẫm truyền thống dân tộc
Hội Gióng ở Sóc Sơn hàng năm là để tưởng nhớ công lao đánh giặc của Thánh Gióng. Theo truyền thuyết, khi giặc tan, Ngài cởi áo giáp sắt vắt lên cây trầm hương ngồi nghỉ, rồi một mình một ngựa phi thẳng lên núi bay về trời. Chính tại gốc cây trầm đó sau này được đắp thành tượng Thánh Gióng với tư thế đứng cùng các tướng chư hầu ở hậu cung đền Thượng ngày nay. Đỉnh núi Đá Chồng, nơi dấu chân ngựa cuối cùng còn in lại nay là chỗ đặt tượng Thánh Gióng bay về trời nặng 85 tấn, cao 11,7 mét. Từ xa cả chục km đã nhìn thấy.
Năm nào cũng thế, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người trẩy Hội Gióng đông như nêm. Các lễ rước trong Hội Gióng đều xuất phát từ truyền thuyết về Thánh đánh giặc, được thể hiện sinh động bằng các biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn như giò hoa tre là một vật mang tính biểu tượng, theo cách giải thích từ bao đời nay của người dân nơi đây thì nó tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng khi xưa dùng đánh giặc. Khi giặc tan cũng là lúc cây gậy bị dập nát tạo thành những tua dài trông giống như cây hoa. Thánh Gióng bèn bảo quân lính lấy quả giành giành quanh ở núi nhuộm vào và nói đó là hoa tre. Hàng năm dân làng Vệ Linh xã Phù Ninh đảm nhiệm việc làm và rước giò hoa tre và luôn được đi đầu nước. Đoàn người mang theo gậy để bảo vệ lễ rước không bị cướp, bởi người dân luôn có quan niệm cướp được giò hoa tre là có lộc. Khi làm lễ dâng xong, mới đem cho khách trẩy hội cướp lộc. Người ta quan niệm rằng đó là lộc Thánh, nếu ai cướp được thì sẽ may mắn cả năm. “Lộc” này nhiều người mang về nhà, cắm trên bàn thờ.
Tại Hội Gióng có tái hiện ra trận chiến ác liệt giữa Thánh Gióng với tên tướng giặc là Thạch Linh. Tương truyền Thạch Linh là một dị tướng phương Bắc nhiều ma thuật phi thường, răng cắn vỡ đá, thở rung cành cây. Sau nhiều ngày giao tranh trên núi Sóc, Thánh Gióng đã chém được đầu Thạch Linh, dẹp sạch giặc Ân. Đây là một trò diễn dân gian được khách trẩy hội thích thú và cổ vũ rất nhiệt tình. Khi bắt được tướng giặc, là một bé gái đồng trinh chăm ngoan học giỏi, gia đình nề nếp từ 9-13 tuổi đóng, sẽ được đem lên đỉnh núi làm động tác giả chém đầu, trò chém tướng kết thúc, người làng phải cõng tướng chạy giấu đi nếu không sẽ bị du khách cướp thì vừa mất tiền chuộc vừa bị đen đủi cho cả làng. Trò chém tướng được coi như khúc khải hoàn ca chiến thắng, vừa là niềm tự hào, biết ơn, vừa là lời nhắc nhở thế hệ trẻ ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.