Hội Đông y Thái Nguyên phát huy mô hình thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia

18-09-2023 06:38 | Y học cổ truyền

SKĐS - Nhờ phát huy mô hình thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia, hơn 100 bài thuốc do Hội Đông y Thái Nguyên tập hợp đã được dùng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế Thái Nguyên vừa cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cho hơn 110 bài do Hội Đông y Thái Nguyên đã sưu tầm và tập hợp. Trung bình mỗi năm, có trên 360 nghìn tấn dược liệu được khai thác, chế biến thành các bài thuốc quý để chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa bàn tỉnh.

Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 2.600 hội viên đông y tham gia sinh hoạt tại 161 cơ sở hội. Hàng năm, Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên phát động phong trào thi đua tìm cây thuốc, sưu tầm các bài thuốc hay, dược liệu quý của các lương y, hội viên trong tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển và tăng cường sử dụng thuốc nam trong khám chữa bệnh và tổ chức các hội nghị, hội thảo kế thừa bài thuốc, cây thuốc trong dân gian. Những hội thảo của Hội đông y không chỉ đưa ra thông tin tham khảo một số bài thuốc nam do các hội viên Hội Đông y sưu tầm và áp dụng điều trị có hiệu quả ở một số bệnh thường gặp, Hội Đông y Thái Nguyên còn hướng dẫn cách sử dụng thuốc nam an toàn, hiệu quả; một số lưu ý về thu hái, bào chế dược liệu…

Hội Đông y Thái Nguyên phát huy mô hình thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia - Ảnh 1.

Nhiều bài thuốc gia truyền đã được sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên hiện nay có trên 1000 loại dược liệu cổ truyền. Các hội viên đã xây dựng mô hình vườn thuốc mẫu và trồng các vườn cây thuốc tại nhà. Trong đó có một số huyện làm tốt công tác nuôi trồng, bảo tồn dược liệu như: Cây khôi nhung tại Đồng Hỷ, cây nhân trần tại Phú Bình, cây kim tiền thảo, trà hoa vàng tại Phổ Yên… Toàn tỉnh có 161/177 xã có vườn cây thuốc nam tại Trạm y tế.

Bình quân hằng năm, các phòng khám chẩn trị và nhà thuốc gia truyền đã tiến hành khám chữa bệnh cho hơn 181.000 lượt bệnh nhân. Trong số đó, điều trị bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc cho 49.000 lượt bệnh nhân. Số lượt người được khám chữa bệnh từ thiện trung bình 44.000 lượt. Trong đó có các đối tượng chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng.

Với phương châm phát huy mô hình "thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia", các lương y, thầy thuốc Y học cổ truyền, Y học dân gian trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng các phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm gia truyền. Trong đó phải kể đến những bài thuốc nam rất có hiệu quả hỗ trợ đối với các loại bệnh: Viêm gan B, xơ gan cổ trướng, viêm khớp, xương khớp, phong thấp, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, sỏi thận, zona thần kinh, tai biến, tiền đình, đau thần kinh tọa, bệnh vàng da sơ sinh… Hơn nữa, các ông lang, bà mế trong địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng chia sẻ, truyền lại cho các hội viên của Hội Đông y bài thuốc gia truyền để nhiều người biết đến và sử dụng.

Hội Đông y Thái Nguyên phát huy mô hình thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia - Ảnh 2.

Mô hình trồng dược liệu cây sâm báo tại huyện Phú Hương, tỉnh Thái Nguyên.

Dựa vào việc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua trồng cây thuốc, sưu tầm các bài thuốc hay, cây thuốc quý nhằm đẩy mạnh phát triển và tăng cường sử dụng thuốc nam trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các cơ sở chẩn trị, các nhà thuốc gia truyền, ông lang bà mế đã khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho 79.802 lượt bệnh nhân; trong đó điều trị bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, trích lể, đốt ngải, hỏa liệu 20.796 lượt người); khám miễn phí 20.752 lượt bệnh nhân, trị giá trên 440 triệu đồng; tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ, hội viên về bài thuốc y học cổ truyền phòng, chống dịch COVID-19 do Trung ương Hội Đông y Việt Nam ban hành, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh...

Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên xác định tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức hội Đông y các cấp; tăng cường quản lý đi đôi với phát triển hội viên mới, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế số 870/QCPH/SYT-HĐY, ngày 23/5/2017 của Sở Y tế Thái Nguyên và Hội Đông y Thái Nguyên trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền…

Bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả cây dược liệu tỉnh Hà GiangBảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả cây dược liệu tỉnh Hà Giang

SKĐS - Để phát triển lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ dược liệu thì cần có phương án để khai thác một cách có hiệu quả và bền vững.


PV
Ý kiến của bạn