Hà Nội

Hội đồng Y khoa Quốc gia- Dấu mốc quan trọng đối với hệ thống y tế Việt Nam

15-01-2021 19:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 15/1, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Bước tiếp theo trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa những năm vừa qua

Hội đồng Y khoa Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; GS.TS Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách; GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS  Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế và PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia cho GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; GS.TS Lê Quang Cường giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách và các đồng chí Phó Chủ tịch khác của Hội đồng


Hội đồng Y khoa Quốc gia có nhiệm vụ: Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật;

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật: xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề và Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định củạ pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là bước tiếp theo trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa những năm vừa qua

Phát biểu tại buổi lễ trao các quyết định này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt là đối với người hành nghề và hệ thống đào tạo nhân lực y tế nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề". Việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là bước tiếp theo trong lộ trình đổi mới công tác đào tạo y khoa những năm vừa qua.

“Tinh thần là chúng ta thực hiện đúng các cam kết hội nhập quốc tế về chuẩn năng lực của ngành y, thực hiện hội nhập quốc tế và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau, nhưng trực tiếp nhất là giúp nâng cao chất lượng nhân lực ngành y, từ đó gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe”- Phó Thủ tướng nói.

Với mô hình tổ chức đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Y khoa quốc gia khẩn trương ban hành các quy chế hoạt động theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng vừa điều chỉnh”, xây dựng cơ chế tổ chức các kì thi định kỳ cấp chứng chỉ hành nghề thiết thực, công bằng, hướng theo chuẩn quốc tế nhưng không được nhiêu khê và nhất thiết phải rất khoa học, minh bạch.

Phó Thủ tướng lưu ý Hội đồng phải hết sức chú trọng đến khâu xây dựng ngân hàng đề thi và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào mọi khâu của kỳ thi.

Đột phá để tạo ra sự thay đổi

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt các thành viên của Hội đồng Y khoa Quốc gia, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho hay, nhiều ý kiến đều cho rằng đây là quyết định lịch sử của ngành y tế, chúng ta chuyển từ trạng thái trước đây trong quá trình đào tạo chúng ta theo hệ thống cũ sang trạng thái đào tạo có tính hội nhập vừa sâu hơn vừa rộng hơn với quốc tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia    Ảnh:T.Minh

“Chúng tôi xác định trách nhiệm của Hội đồng Y khoa Quốc gia rất nặng nề. Trách nhiệm của Hội đồng, Thủ tướng đã quy định rõ trong quyết định là Hội đồng phải xây dựng chuẩn năng lực đầu ra của bác sĩ, khi ra hành nghề cần có năng lực gì để đảm bảo việc hành nghề được thực hiện thông suốt”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc thứ 2 của Hội đồng là tổ chức thi đánh giá năng lực để làm cơ sở để Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề có thời gian thay cho việc thi cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị suốt đời như hiện nay. “Đây chính là dấu mốc lịch sử thay đổi ngành y tế”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã chọn đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một trong những khâu đột phá, trong đó đổi mới cả về nội dung, chương trình và thời gian. Tuy nhiên dù có thay đổi như thế nào thì hướng đào tạo ở nước ta vẫn phải theo hướng hội nhập quốc tế.

Do đó nhiệm vụ của Hội đồng y khoa Quốc gia rất nặng nề, phải học tập kinh nghiệm của các nước và phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về đề thi, ngân hàng câu hỏi và kể cả đánh giá các tình huống khi thực hànhđể làm sao đảm bảo chuẩn năng lực đầu ra đối với bác sĩ.

Việc tổ chức thi, sẽ do hệ thống y tế chịu trách nhiệm chứ không phải Hội đồng y khoa tổ chức. Người hành nghề có thể thi ở nhiều nơi, nhiều lúc nhưng khi thi thực hành thì phải ở cơ sở bắt buộc. Ngành y tế sẽ đầu tư xây dựng 2 trung tâm kiểm chuẩn phải đạt đúng trình độ với các nước, và khi được cấp chứng chỉ hành nghề tại một trong hai trung tâm này sẽ được hành nghề ở nhiều nước khác chứ không phải chỉ riêng tại Việt Nam. Đây chính là điều sẽ thay đổi.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, ngành y tế đang nỗ lực và gấp rút xây dựng Đề án trình Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn.

“Thực tế cho thấy mặc dù chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều đề án, chương trình nhưng tình trạng thiết hụt trầm trọng nhân lực có chất lượng cao vẫn diễn ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Bộ Y tế quyết tâm làm sao phải xây dựng Đề án đào tạo nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trước mắt cho 28 địa phương. Hiện Đề án đang xin ý kiến các bộ, ngành để có thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 1/2021”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì phiên họp thứ nhất của Hội đồng   Ảnh:Trần Minh

Cùng ngày, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Hội đồng Y khoa Quốc gia tại Bộ Y tế. Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành y tế hiện đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mọi hoạt động, với mục tiêu tối thượng để phục vụ người dân tốt nhất.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, ngành y tế đã có những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh, trong đó có sự ra đời của Đề án Khám chữa bệnh từ xa- một nền tảng giúp cho người dân ở tuyến dưới có thể được thụ hưởng y tế chất lượng cao của tuyến trên ngay tại cơ sở. Bên cạnh đó, ngành quyết liệt thực hiện chuyển đổi số và công khai minh bạch nhiều hoạt động...

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Một trong những nội dung mà ngành y tế mong muốn triển khai là đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo, trong đó có đào tạo y khoa.

“Trong đó, chúng tôi chọn lĩnh vực đổi mới mạnh mẽ nhất, có thể tác động tới toàn bộ hệ thống y tế là thi cấp chứng chỉ hành nghề”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Bộ Y tế, kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề được áp dụng với bác sỹ mới ra trường và không áp dụng đối với người đã được cấp chứng chỉ hành nghề.



Thái Bình
Ý kiến của bạn