Chia sẻ với chúng tôi trong câu chuyện về nghề điều dưỡng mà nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam (ĐDVN) đã gắn bó suốt mấy chục năm qua, bà Vi Thị Nguyệt Hồ nhấn mạnh: Trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, điều dưỡng không chỉ có vai trò chức năng của người y tá như trước đây thực hiện một cách phụ thuộc những y lệnh được phát ra từ các bác sĩ mà còn có vai trò phối hợp công việc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và với đồng nghiệp. Họ còn chủ động làm một số phần việc của mình giúp người bệnh điều trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả hơn...
“Nghề điều dưỡng của chúng tôi âm thầm lắm”
Những ngày tháng 10 này, hơn 80.000 hội viên trong cả nước đang hân hoan đón chào ngày hội Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội ĐDVN (25/10/1990 - 25/10/2015). Là người ngoại đạo nhưng tôi cũng cảm nhận được niềm vui này từ chính những câu chuyện mà họ - những điều dưỡng viên đang ngày đêm âm thầm đóng góp công sức cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân khi kể về nghề, về nghiệp mà họ đã gắn bó.
Điều dưỡng viên Bệnh viện Nhi Trung ương chăm sóc trẻ. Ảnh: T.Minh
“Nghề nghiệp của chúng tôi âm thầm lắm. Y tá trước kia và điều dưỡng bây giờ đều luôn cố gắng chăm sóc người bệnh tốt nhất, rồi mừng với người bệnh khi họ khỏe mạnh về nhà. Xã hội có tiến đến đâu thì con người vẫn cần sự yêu thương” - đó là tâm sự của bà Vi Thị Nguyệt Hồ - Chủ tịch sáng lập Hội ĐDVN, nguyên Chủ tịch Hội ĐDVN từ khóa 1 đến khóa V, một tấm gương điển hình trong các tấm gương về y đức, về sự tận tụy với nghề nghiệp và suốt đời phấn đấu vì sự phát triển của nghề điều dưỡng, người đã có 60 năm gắn bó với nghề - với nghiệp điều dưỡng, trong đó có 40 năm làm chuyên môn tại BV Việt Đức.
Với bà Hồ, y tá trước đây giờ đã được đổi là điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng. Không chỉ trong phòng mổ mà còn cả quãng thời gian chăm bệnh nhân hậu phẫu cũng phải rất sát sao. Khi còn làm việc, trước khi ra về, thế nào chúng tôi cũng đảo lại thăm bệnh nhân, sớm mai đến cũng qua thăm họ trước khi giao ban để còn nắm tình hình người bệnh. Điều dưỡng được ví như cái báo động, khi bệnh nhân có biến đổi gì nặng phải nhận biết được để báo nhanh với bác sĩ. Mà bản thân cũng phải biết xử trí, biết sơ cứu đầu tiên để giúp bệnh nhân không lâm vào nguy kịch.
Chủ tịch Hội ĐDVN Phạm Đức Mục cho biết, người điều dưỡng viên ngoài trình độ cần thiết phải có tâm, có trách nhiệm rất cao. Trước đây, y tá cao lắm cũng chỉ học đến trung cấp là cùng. Nay điều dưỡng viên có người đã không chỉ tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng mà còn hoàn thành chương trình thạc sĩ, có người đỗ tiến sĩ y học cộng đồng.
Công việc của các điều dưỡng viên bận rộn suốt ngày, từ khi đón tiếp bệnh nhân, vệ sinh cho họ trước khi đưa lên bàn mổ rồi gây mê, gây tê, theo dõi các chỉ số sinh học của họ khi mổ để kịp thời ứng phó các biện pháp y tế duy trì sự sống... Chỉ một sai sót nhỏ của họ cũng có thể đem lại hậu quả khôn lường
“Chúng tôi cũng rất quan trọng với bệnh nhân nhưng chỉ tiếp xúc và giúp họ khi mổ, còn cả quá trình tiền phẫu và hậu phẫu phần lớn do các điều dưỡng viên đảm nhiệm. Thỉnh thoảng những người bác sĩ chúng tôi có đảo qua thăm khám bệnh nhân rồi chỉ định điều trị, còn phần lớn ngày đêm người bệnh cần đến các điều dưỡng viên” - một bác sĩ tâm sự với chúng tôi.
Nỗ lực để nâng cao vị thế của người điều dưỡng
Theo Chủ tịch Hội ĐDVN Phạm Đức Mục, trải qua 25 năm, Hội ĐDVN gắn bó và đồng hành với sự phát triển của chuyên ngành điều dưỡng, đã trở thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên cả nước và đang vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh: Vì nghề nghiệp, vì hội viên và vì sức khỏe cộng đồng... Từ vài trăm hội viên lúc khởi đầu, nay Hội ĐDVN đã có 60/63 hội cấp tỉnh, thành phố do UBND tỉnh cho phép thành lập, với trên 800 chi hội và hơn 80 ngàn hội viên. Sự phát triển của Hội ĐDVN đã tạo tư duy mới về tổ chức hội nghề nghiệp, đồng thời khẳng định hội có thể tồn tại và phát triển bền vững theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải kinh phí hoạt động.
Hội ĐDVN cũng đã tạo dấu ấn bởi những nỗ lực tiên phong trong vận động chính sách nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi hội viên, thực hiện vai trò xúc tác cho quá trình đổi mới nghề điều dưỡng ở Việt Nam thông qua việc vận động thành lập Phòng Y tá bệnh viện, thành lập Phòng Y tá Vụ Quản lý sức khỏe Bộ Y tế, đổi tên Hội Y tá thành Hội ĐDVN, hình thành vị trí Điều dưỡng trưởng Sở Y tế, đổi ngạch y tá thành điều dưỡng, bổ sung thang lương cho điều dưỡng, bổ sung đối tượng điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên vào Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, chuẩn năng lực và đạo đức nghề nghiệp ĐDVN...
Trong hành trình 25 năm phát triển, Hội ĐDVN đã thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển như biên soạn và xuất bản sách nghiên cứu điều dưỡng; đề xuất bổ sung môn học nghiên cứu điều dưỡng vào chương trình đào tạo điều dưỡng; đưa nghiên cứu điều dưỡng vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Đồng thời, Hội đã khởi xướng xây dựng và được Bộ Y tế thẩm định, ban hành thực hiện các chương trình và tài liệu đào tạo liên tục như Quản lý điều dưỡng; Phòng ngừa chuẩn; Quản lý và lãnh đạo điều dưỡng; Kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế tuyến huyện; Phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS... Trung tâm tư vấn và dịch vụ điều dưỡng của Hội ĐDVN đã được Bộ Y tế thẩm định, công nhận là tổ chức đủ điều kiện đào tạo liên tục từ năm 2012. Hội cũng đã có tạp chí riêng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế về y khoa và điều dưỡng..
Hội ĐDVN đã khởi xướng và tích cực cùng Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức các hội thi: Điều dưỡng - hộ sinh giỏi và thanh lịch; Hội thi thiết kế trang phục y tế để chọn trang phục cho bác sĩ, điều dưỡng và học sinh sinh viên; Phát động phong trào thi đua Tăng cường kỹ năng giao tiếp ứng xử thân thiện với người bệnh và hưởng ứng chủ trương của Bộ Y tế và từ năm 2012 tới nay, các tổ chức cơ sở của hội đang tích cực triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên do Hội ĐDVN ban hành. Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Đức Mục cũng thẳng thắn chia sẻ, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục để khẳng định vị thế của người điều dưỡng trong xã hội như: phong cách phục vụ của một bộ phận hội viên chưa chuyên nghiệp, tính chủ động nghề nghiệp còn yếu, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần được tăng cường. Các hoạt động của một số tỉnh hội/thành hội/chi hội chưa thực sự bền vững... Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục cam kết tham gia xây dựng chính sách nghề nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo liên tục và mở rộng hoạt động của hội, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực về y đức, về kỹ năng giao tiếp, về trách nhiệm nghề nghiệp, qua đó khẳng định vị thế người điều dưỡng trong xã hội...
Những đóng góp của Hội ĐDVN đã được Nhà nước ghi nhận qua Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho tập thể Hội. Hàng nghìn điều dưỡng - hộ sinh - kỹ thuật viên đã được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành phố, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tặng Bằng khen về thành tích công tác hội và thành tích chăm sóc người bệnh.
Nguyễn Hoàng