Hỏi đáp về bệnh sởi

01-09-2015 19:19 | Đời sống
google news

SKĐS - Nhằm cung cấp những thông tin cập nhật đầy đủ về bệnh sởi, Rubella, các biện pháp phòng bệnh cũng như những điều cần biết về vắc-xin phối hợp sởi - Rubella trong Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ 1-14 tuổi trên toàn quốc...

Phần 1: Bệnh sởi

LTS: Nhằm cung cấp những thông tin cập nhật đầy đủ về bệnh sởi, Rubella, các biện pháp phòng bệnh cũng như những điều cần biết về vắc-xin phối hợp sởi - Rubella trong Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ 1-14 tuổi trên toàn quốc; Dự án Tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã biên soạn cuốn “Hỏi đáp về bệnh sởi và bệnh Rubella”. Báo SK&ĐS xin cung cấp tới độc giả nội dung cuốn sổ tay hỏi đáp, hy vọng sẽ giải đáp những thắc mắc, tư vấn cho cha mẹ và cộng đồng những thông tin hữu ích trong quá trình triển khai vắc-xin này.

1. Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?

Sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới có khoảng 139.000 ca tử vong do bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc-xin.

Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Cơ chế lây truyền của virut sởi.

Cơ chế lây truyền của virut sởi.

2. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Bệnh sởi do virut sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây. Những người chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi trước đó thì khả năng bị mắc bệnh sởi là rất cao nếu có tiếp xúc với bệnh nhân.

3. Có trường hợp người lành mang virut sởi không?

Không có trường hợp người lành mang virut sởi. Khi nhiễm virut sởi sẽ bị mắc bệnh sởi.

4. Trường hợp đã mắc bệnh hoặc tiêm vắc-xin sởi có bị bệnh nữa không?

Những người đã từng mắc bệnh sởi hoặc có miễn dịch với virut sởi do tiêm vắc-xin sởi trước đó sẽ không bị mắc bệnh nữa.

5. Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là: trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang và chưa đến tuổi được tiêm vắc-xin; người đã tiêm vắc -xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; những người chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc-xin sởi trước đây.

Sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

6. Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?

Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên. Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy...

Các trường hợp sốt, phát ban nghi sởi cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị và hướng dẫn phòng chống lây nhiễm kịp thời.

Nốt ban ở trẻ mắc sởi.

Nốt ban ở trẻ mắc sởi.

7. Làm thế nào để phòng bệnh sởi?

Tiêm vắc-xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi và các biến chứng của sởi.

Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban.

Virut sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp nên khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng...

Dự án Tiêm chủng mở rộng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

 


Ý kiến của bạn