Không ít luật, quy định vừa ban hành hoặc những đề xuất văn bản luật, chủ trương nào đó đưa ra lập tức gặp phản ứng bức xúc trong dư luận vì không hợp lý và phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ. Gần đây, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vừa lắng xuống sau “Kiến nghị” của Thủ tướng Chính phủ thì dư luận lại nổi lên kiến nghị sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng với lý do tương tự.
Đòi hỏi của quần chúng nhân dân tạo thành dư luận là chính đáng, chứng tỏ tinh thần làm chủ thật sự với vai trò công dân trong những phản ảnh. Nó còn thể hiện trình độ nhận thức trong xã hội được nâng cao về quyền của chủ thể. Khi chính sách không ổn, đặc biệt là có thể gây khó khăn cho cuộc sống, công việc làm ăn của mình thì người dân nhanh chóng, mạnh dạn bày tỏ chính kiến và đòi hỏi được lắng nghe. Đó là điều đáng mừng và mừng hơn là cơ quan hữu quan cũng đã tiếp thu và điều chỉnh. Tuy nhiên, những điều chỉnh, thay đổi dù có kịp thời cũng không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn gây tốn kém do phải điều chỉnh, khắc phục. Vấn đề là “lắng nghe dân” sau khi đã làm hay quan trọng hơn là cần phải “nghe dân” trước khi làm một việc gì đó.
Khái niệm “Dân” ở đây không phải là từng người dân bởi bất khả thi song cũng không thể chỉ là Đại biểu trong Hội đồng nhân dân cấp nào đó đã thông qua như một vị trong Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội từng phát biểu. Hỏi dân là hỏi người có liên quan. Nếu như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được giới công nhân biết đến trước khi luật trên ra đời (dù chưa tới thời hạn có hiệu lực) hẳn những bức xúc như vừa qua sẽ không có. Khía cạnh khác của “hỏi dân” là tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, xã hội học, trí thức quan tâm tới vấn đề trong văn bản luật. Biện pháp hỏi dân có thể là thăm dò xã hội học với đối tượng liên quan hoặc thăm dò trên báo chí, trên mạng xã hội.
Mọi chủ trương hay văn bản luật đưa ra đều bắt đầu từ những con người cụ thể. Đó là những người soạn thảo văn bản, những nhà quản lý nêu ra những chủ trương. Họ tuy có trình độ, nắm bắt và hiểu vấn đề song có thể không lường được hết mọi khía cạnh trong thực tế đời sống nên trong chủ trương, văn bản luật có những điều bất cập. Cũng có thể do muốn học tập, áp dụng kết quả tích cực từ nước ngoài song dễ trở thành dập khuôn máy móc do hoàn cảnh, điều kiện ở mỗi nước khác nhau nên chủ trương hay văn bản luật đưa ra trở thành bất khả thi, khó đi vào đời sống. Vấn đề là làm thế nào để những chủ trương và luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quản trị của nhà chức trách công, vừa đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân.
Điều chắc chắn rằng chẳng có ai hoặc cơ quan, tổ chức nào muốn dùng luật để đặt mình vào thế đối nghịch với người dân trong quá trình tìm kiếm lợi ích nhưng thực tế có những điều người dân mong muốn một cách chính đáng mà người nắm quyền lực công không biết. Cần phải tránh, chí ít là hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra việc đáng tiếc đó.
“Hỏi dân” chính là thái độ thận trọng trước thực tế để tôn trọng quy luật khách quan, tránh được cách làm chủ quan, duy ý chí bởi chủ trương nào, văn bản luật nào đưa ra, đích cuối cùng cũng là vì dân, hướng tới sự ổn định và hạnh phúc trong dân. Bên cạnh việc tránh được tốn và kém do phải điều chỉnh, thay đổi, quan trọng hơn là củng cố được niềm tin trong dân, tránh được những bức xúc không cần thiết trong xã hội.
Lê Quý Hiền