Hỏi chuyện lũy tre làng

05-02-2009 16:07 | Thời sự
google news

Chào tre! - Sao lại định hỏi chuyện chúng tôi?

Chào tre!

- Sao lại định hỏi chuyện chúng tôi?

- Là bởi tre làng các vị như một biểu tượng văn hóa truyền thống của làng xã. Lũy tre làng bao bọc cả một cộng đồng...

- Thế nên chúng tôi mới có tên là "Lũy" chứ không phải là khóm tre làng hay dãy, hàng tre làng!

- Đấy là thành lũy? Nhưng hòa bình đã lâu...

- Lũy tre làng chúng tôi không chỉ ngăn giặc, cướp mà quan trọng hơn là bảo vệ cái phần bên trong lũy tre chúng tôi mà con người gọi là văn hóa...

- Nhưng hình như bây giờ, cùng với cây gạo đầu làng, cổng làng, lũy tre làng các vị cũng đang mai một thưa thớt dần?

- Đó là điều đáng tiếc và đáng buồn!

- Nhưng xã hội thay đổi...

- Thay đổi thế nào thì trong mỗi con người dù đang sống trong thành phố, khu công nghiệp... cũng đều có một miền quê!

- Phải thế mà tranh "Phố Phái" luôn sống mãi bởi vẽ về thành phố mà vẫn gợi đến bóng làng?

- Hình như thế vì tre chúng tôi không phảỉ là những nhà phê bình mỹ thuật.

- Vậy lũy tre các vị là để giữ văn hóa làng xã nhưng văn hóa làng xã là cái gì vậy?

- Là thứ không ăn, không bán được nhưng chính nó là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn Việt, là ngọn lửa hun đúc nên bản sắc dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

- Nghĩa là những giá trị và bề dày văn hóa hôm nay được hình thành và gìn giữ từ sau lũy tre làng của các vị?

- Đúng thế bởi trong quá khứ, nước có thể mất nhưng làng mãi mãi còn và chính sự tồn tại này là động lực để đi tìm cái đã mất.

- Nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thời mở cửa liệu có thích hợp với văn hóa làng xã trong các vị?

- Thế "đổi mới" bắt đầu từ đâu? Từ thành phố, từ nhà máy à? Bắt đầu từ "khoán chui" đấy mà "khoán chui" lại sinh ra từ sau lũy tre làng chúng tôi!

- Nhưng sao có người cho rằng văn hóa sau luỹ tre các vị là cổ hủ?

- Hương ước làng xã chả bao giờ cổ hủ. Đấy là gốc của đời sống. Mất gốc là mất tất cả.

- Nhưng cách rách quá. Ví dụ như cô dâu chú rể hôm trước trong đám cưới đã gặp cả hai họ mà sao sau đó lại phải dẫn nhau đi chào họ hàng?

- Dẫn nhau đi gọi là "chào" nhưng mục đích bên trong là "hứa" trước người thân về hạnh phúc, về dự định tương lai của cặp vợ chồng mới cưới! Văn hóa làng xã quan tâm tới từng gia đình bởi gia đình là gốc của xã hội.

- Và có mê tín không khi xã có ông chủ tịch và nhiều ông trưởng thôn lại vẫn tồn tại ông Thành hoàng làng?

- Đời sống tâm linh bị lợi dụng là mê tín nhưng con người cần biết sợ. Chủ tịch xã hay trưởng thôn biết sợ Thành hoàng chắc không dám làm bậy. Bởi sợ thần linh là nỗi sợ bị trừng phạt, phải trả giá cho những hành vi tội lỗi. Mà suy cho cùng, Thành hoàng hay thần linh cũng là do dân suy tôn, nói nôm na là do dân "bầu" lên, mang khát vọng và ý chí của họ.

- Các vị vừa nói đổi mới bắt đầu từ sau lũy tre các vị nhưng hình như bà con nông dân mình lại hưởng thành quả từ đổi mới ít nhất so với các thành phần khác trong xã hội?

- Bởi những con người sống sau lũy tre chúng tôi. Nói như một nhà nghiên cứu - thì họ là những người cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất...

- Và lũy tre làng các vị cùng những con người và văn hóa tồn tại sau lũy tre ấy là sinh khí của một dân tộc?

- Thật buồn là sinh khí ấy, gốc gác ấy với nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ ấy đang bị nhổ đi ở nơi này nơi kia bằng sân golf, bằng những toan tính kiếm tiền của một vài ai đó để thay bằng những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, với một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, những hàng rởm, hàng giả độc hại. Sự hài hòa cùng thiên nhiên đang bị thay bằng những dòng sông đen ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tươi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc.

- Điều nhắn gửi của lũy tre làng lúc này?

- Xin đừng quên và vô ơn với những người nông dân!

Lê Quý


Ý kiến của bạn