Hà Nội

Hồi chuông nhói đau từ súng tự chế

22-06-2019 15:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Đối nghịch với sự ấm cúng của các gia đình toàn vẹn, nhiều ngôi nhà ẩn giữa mênh mông núi rừng ở Đăk Nông, Đăk Lăk... trở nên hiu quạnh bởi chủ nhân đã tử vong vì súng tự chế.

Cứ mỗi lần thấy cảnh cha thẫn thờ tiễn đưa con, vợ lặng đau nhận thi thể chồng, những đứa trẻ đang hồn nhiên bỗng gánh trên mình các thương tật vĩnh viễn... là khắp buôn làng lại thảng thốt.

Người lớn lơ là... trẻ nhỏ lĩnh đủ

Bằng lối nghĩ giản đơn như nhiều người bạn đi rẫy, đi rừng của mình, anh Hầu Kim Thành (xã Quảng Hòa, Đăk Glong, Đăk Nông) mày mò chế tạo một khẩu súng bắn đạn chì đặt ngay trên đầu giường. Mỗi khi nông nhàn hay thèm nhậu là với tay vơ súng đi bắn gà rừng, sóc... Nhưng rồi, sự bất cẩn của Thành đã khiến đứa con gái đang tập đi của mình suýt mất mạng. Trong lúc ra rẫy, Thành để con là Hầu Kim Yến chơi với đứa cháu họ lên 6 tuổi tên Hầu Kim Thanh. Trong lúc vui đùa, Thanh biến khẩu súng thành món đồ thích thú và bóp cò khiến 6 viên đạn chì liên tục nhả ra, găm vào người cháu Yến. Tiếng khóc thét vang lên rồi lịm đi, Thành cùng người thân đưa con đi viện trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Theo các bác sĩ ở BVĐK Đăk Nông: Năm nào cũng có tình trạng nguy kịch vì dính đạn của súng tự chế. Điều đáng lo ngại là người dân rất thiếu ý thức khi để súng trong nhà mình. Như trường hợp cháu Kim Yến, nếu đưa đến trễ có thể đã tử vong. Dẫu đã được cứu nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển trong tương lai. Thậm chí có thể để lại chấn thương tâm lý, khó xóa nhòa.

Gần 40 đêm trắng vật vờ trong các bệnh viện từ Đăk Nông đến TP. Hồ Chí Minh để chạy chữa cho đứa con trai lên 7 tuổi hằn sâu nỗi ám ảnh với chị Nguyễn Thanh Tuyết (Quảng Trực, Tuy Đức). Dần nhận ra những tác hại của súng tự chế, chị Tuyết bộc bạch rằng: Không riêng gì ở Tuy Đức này mà nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên súng tự chế nhiều lắm. Người nọ học người kia chế tạo ra rồi tự chỉ nhau sử dụng là chính. Trẻ nhỏ tò mò nghịch để bị đạn vào chân, tay thường xuyên, còn thỉnh thoảng xảy ra tình trạng nguy kịch như con trai tôi. Hôm ấy, cháu rủ bạn về nhà lấy súng tập trận du kích giả nhưng 4 viên đạn nhả ra găm vào giáp phổi, lá lách và mang tai. Thoát khỏi hiểm nguy, chúng tôi từ dã luôn việc dùng súng tự chế.

Hồi chuông nhói đau từ súng tự chếNhiều căn nhà có người chết vì súng tự chế trở nên hoang lạnh, đìu hiu.

Sau buổi tối kinh hoàng giữa năm 2018, đến giờ anh Lê Văn Trực (ở Krông Bông, Đăk Lăk) vẫn còn giật thót mỗi khi nghe tiếng động trong đêm vắng. Trực chia sẻ rằng: Sống trong các buôn làng giáp với núi rừng, khuya chủ yếu là tiếng nổ của súng săn hoặc tiếng muông thú. Hôm ấy, đi săn về mệt quá, thả khẩu súng ngay trên bàn uống nước, đứa con trai học bài xong lấy chơi, chân kẹp phần báng, mắt ngắm nghía nòng. Chẳng may đạp phải cò, 3 viên đạn hoa cải nhả vào mặt, xuyên vành tai. Sau khi được các bác sĩ tận tụy cứu chữa, thay thủy tinh thể, không phải mù lòa nhưng mỗi khi trở trời, con trai Trực lại kêu oai oái. Quyết giao nộp khẩu súng cho chính quyền và vận động nhiều người bạn mình cùng nộp theo nhưng mỗi khi nghe tiếng nổ từ đâu đó vọng về, Trực vẫn trỗi dậy sự bàng hoàng như một phản xạ tự nhiên ùa đến.

Những nhầm lẫn chết người

Nhiều tháng đã trôi qua nhưng từ ngày Hoàng Minh Trung (xã Đăk R’moan, Gia Nghĩa, Đăk Nông) vĩnh viễn ra đi ở tuổi ngoài 40, căn nhà đơn sơ trở nên hiu quạnh. Những tiếng súng chát chúa của người bạn săn cướp mạng Trung váng vất cả xóm nghèo.

Đó là một chiều âm u, Nông Đức Cường rủ Trung vào rừng xã Trường Xuân (huyện Đăk Song) rình bắn cầy hương, gà rừng về uống rượu. Hai người chia hai hướng khác nhau để săn mồi. Lúc mặt trời khuất núi, quan sát thấy một vật đen nhấp nhô di chuyển, phán đoán là cầy hương hoặc khỉ nên Cường liền bóp cò bắn. Tiếng kêu thất thanh vang lên, Cường lao đến thì hoảng hốt nhận ra đã nã đạn vào giữa đầu bạn mình. Xe cấp cứu chưa đến bìa rừng, Trung đã tử vong. Ông Nông Văn Nhật (hàng xóm của Cường) chua xót: Cả hai gia đình đã nghèo lại càng kiệt quệ hơn vì Cường phải vào tù còn các con của Trung vĩnh viễn mất cha, vợ Trung lăn lộn với lo toan. Hầu hết các nạn nhân bị bạn săn bắn chết vì nhẫm lẫn đều là người trẻ, lao động chính trong các gia đình.

Cùng cảnh đau thương như gia đình Trung, hơn một năm nay, người thân Dương Văn Ngọc (26 tuổi, Đăk Nia, Gia Nghĩa, Đăk Nông) như vắng hẳn tiếng vui cười, bữa tiệc dự kiến đã trở thành ngày định mệnh của Ngọc. Cuối tháng 2/2018, La Hải Phương (trú cùng địa bàn) chuẩn bị hai khẩu súng tự chế bắn đạn hoa cải và đạn chì rồi vạch kế hoạch làm cuộc hội ngộ hoành tráng bằng thịt gà rừng nên rủ Ngọc và vài người bạn khác đến khu rừng thuộc xã Nhân Đạo (huyện Đăk R’lấp) săn. Mỗi người đi một hướng, cuộc tìm kiếm diễn ra nhiều tiếng mà chưa hạ được mục tiêu nào nên khi nghe tiếng như tiếng gà trong bụi rậm, Phương bắn ngay. Vừa thấy tia máu đỏ phụt lên, Phương quẳng súng lao đến thì Ngọc đã nằm gục, lịm đi và tử vong sau đó.

May mắn thoát chết trong tích tắc nhưng phần lớn thời gian phải ngồi trên xe lăn, Nguyễn Văn Tùng ở (Đăk R’Lấp) nhận ra: Dù có cẩn trọng đến mấy thì dùng súng săn và rừng cũng dễ gây họa. Không chỉ bạn săn với nhau mà nhiều buổi tối, người dân vẫn tranh thủ đi rừng kiếm cây dược liệu, lấy hoa lan... nên khi thấy động thợ săn dễ dàng nhầm tưởng đó là con mồi.

Không chỉ bắn nhầm chết bạn, trong không gian nhiều cây rậm, thời tiết khắc nghiệt, nhiều thợ săn tự làm tử vong mình, bỏ lại cha mẹ già, con thơ, vợ trẻ. Mấy tháng trước sau khi chế tạo xong khẩu súng và chuẩn bị 20 viên đạn, Nguyễn Thanh Quán (sinh năm 1985, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song) chờ trời sẫm tối lén vào khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên săn thú. Cây dây leo và cỏ mọc chẳng chịt, Quán quay ngược khẩu súng, dùng phần báng để gạt cỏ mở đường. Đất đỏ trơn, nhiều nhánh cây va vào cò khiến súng nổ, đạn đi thẳng vào ngực Quán, tử vong.

Ẩn họa luôn rình rập

Hiểm nguy luôn hiện hữu với nhiều buôn làng ở Tây Nguyên và trở thành nhức nhối khi chính khẩu súng tự chế còn bị chủ nhân của chúng biến thành phương tiện để dằn mặt, dọa nạt, sát phạt với người xung quanh khi xảy ra các mâu thuẫn vụn vặt đời thường.

Điển hình như vụ ẩu đả xảy ra ở xã Ea Tam (Krông Năng, Đăk Lăk). Chỉ vì bất đồng quan điểm, cãi nhau trên facebook mà nhóm Hoàng Văn Vinh, Triệu Văn Thống và một số thanh niên khác đã hẹn nhóm Lê Anh Việt, Lâm Văn Quang, Tô Đức Chung... đến ngã ba Phúc Hòe (xã Ea Tam) giải quyết. Trước khi đi, Vinh và Thống uống rượu ngà ngà và chuẩn bị một khẩu súng săn, một súng tự chế. Trong lúc ẩu đã, Vinh và Thống đã bắn vào người Việt và Quang. Kết quả giám định cho thấy, Lê Anh Việt bị thương tích 55%, Lâm Văn Quang bị thương tích 4%. Ngày 9/4/2019 vừa qua, TAND tỉnh Đăk Lăk đã tuyên Vinh 13 năm tù giam, Thống 11 năm. Các đối tượng khác cũng bị xét xử thích đáng.

Hồi chuông nhói đau từ súng tự chếKhoảnh rừng ở xã Trường Xuân (huyện Đăk Song) nơi xảy ra bắn chết bạn vì nhầm là con mồi.

Nhiều vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Ea H’Leo, Ea Súp... khi có xích mích về đất đai, về quan niệm sống cũng dùng súng tự chế để “xử” nhau đã tạo nên sự mất an ninh trật tự để lại gánh nặng cho người thân khi người bắn thì vào tù, người bị bắn thì thương vong.

Xuyên bao ngày đêm vận động các buôn làng hãy nói không với súng tự chế, Già làng Y Xanh ở xã Ea Bung (Ea Súp, Đăk Lăk) cho biết: Dùng súng tự chế là con đường dẫn đến đau thương, mất mát, tật nguyền. Ở xã này thôi, Đặng Công Hải từng khoe khoang mình dành súng tự chế. Nhưng sau đó chính Hải đã mang súng đi ẩu đả vì mâu thuẫn đất đai và phải lĩnh án. Cái giá phải trả cho hành động sử dụng, chế tạo súng tự chế là rất đắt, nếu ai không tỉnh ngộ sẽ hối hận cả đời.

Theo Công an tỉnh Đăk Lăk, để thay đổi thói quen cần có sự chung tay vào cuộc và tuyên truyền mạnh mẽ của nhiều cấp chính quyền. Riêng 5 năm trở lại đây, ở Đăk Lăk đã xảy ra hơn 20 vụ án có liên quan đến súng tự chế, làm tử vong 4 người, bị thương gần 30 người. Đã khởi tố gần 20 vụ án, phạt tù nhiều đối tượng và vận động, tịch thu hàng ngàn khẩu súng tự chế. Các loại súng tự chế chủ yếu tập trung vào súng bắn bi, đạn hoa cải, bắn cồn hơi... Không chỉ tuyên truyền mà công tác giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển cũng sẽ được làm chặt chẽ.

Để ngăn chặn những tác hại thương tâm từ súng và vũ khí tự chế, trong nhiều năm qua, Công an tỉnh Đăk Nông cũng đã vận động thu hồi 1.660 khẩu súng tự chế các loại đồng thời khởi tố, xét xử nhiều vụ án thương tâm liên quan đến súng tự chế. Công tác tuyên truyền đến các điểm nóng, các buôn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được tiến hành liên tục bằng nhiều biện pháp để người dân nhanh chóng nhận ra ẩn họa từ loại vũ khí này.


Bài và ảnh: Đông Hưng
Ý kiến của bạn