Hà Nội

Hội chứng viêm đa hệ thống: Trẻ lớn dễ bị tổn thương hơn trẻ nhỏ

13-04-2022 14:18 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Canadian Medical Association Journal, trẻ lớn và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), tình trạng viêm hiếm gặp có thể xảy ra ở trẻ mắc COVID-19.

Hội chứng viêm đa hệ thống:Trẻ lớn dễ bị tổn thương do hơn trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Nguy cơ bị Hội chứng viêm đa hệ thống nặng hơn ở trẻ lớn và thanh thiếu niên mắc COVID-19

Định nghĩa của Tổ chức y tế Thế giới về MIS-C bao gồm:

  • Sốt kéo dài ít nhất 3 ngày;
  • Protein phản ứng C tăng cao, yếu tố chỉ báo tình trạng viêm;
  • Bệnh liên quan đến 2 hoặc nhiều hệ thống cơ quan cơ thể mà không xác định được tác nhân mầm bệnh gây viêm rõ ràng;
  • Và xét nghiệm COVID-19 dương tính hoặc nghi ngờ tiếp xúc với một trường hợp COVID-19 dương tính.

Nghiên cứu bao gồm 232 trẻ từ 18 tuổi trở xuống nhập viện vào 15 bệnh viện ở Canada, Costa Rica và Iran với tình trạng nghi ngờ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) từ ngày 1/3/2020 đến ngày 7/3/2021.

Kết quả cho thấy, hầu hết bệnh nhân trong nghiên cứu (89%) có các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, và các vấn đề về da như phát ban và sưng tấy (85%). Liên quan đến tim là phổ biến (59%), cũng như các bất thường về đông máu (90%).

Trong số 232 trẻ tham gia nghiên cứu, 73 trẻ (31,5%) phải vào khoa hồi sức tích cực và 64% cần điều trị tình trạng huyết áp rất thấp. Nguy cơ vào khoa hồi sức tích cực cao hơn ở trẻ từ 6 đến 12 tuổi (44%) và 13 đến 17 tuổi (46%) so với trẻ từ 5 tuổi trở xuống (18%).

Trẻ em nhập viện vào khoảng thời gian sau của giai đoạn nghiên cứu (từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021) dễ có khả năng phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực hơn (50 trong số 112 trẻ, tương ứng 45%) so với những trẻ nhập viện giai đoạn sớm hơn (23 trong số 120 trẻ, tương ứng 19%).

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những bệnh nhân có yếu tố chỉ báo viêm trong máu cao thì có nguy cơ mắc MIS-C nghiêm trọng hơn.

Trẻ lớn dễ bị tổn thương do MIS-C hơn trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Tiêm vaccine COVID làm giảm các biến chứng của MIS-C ở thanh thiếu niên

Ý kiến của chuyên gia

Các nhà khoa học lưu ý rằng việc chẩn đoán MIS-C có thể là một thách thức.

"Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em là một chẩn đoán mới, với các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau chưa được xác thực" - Tiến sĩ Joan Robinson, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Alberta ở Edmonton (Canada) và cộng sự cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho rằng: "Hầu hết những đứa trẻ này không có tiền sử tiếp xúc với người đã được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Việc xác định tiền sử phơi nhiễm bệnh có thể khó khăn vì những người tiếp xúc bị mắc COVID-19 có thể không có biểu hiện triệu chứng hoặc không được xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm bệnh".

Theo các nhà khoa học, cần có sự đồng thuận quốc tế về tiêu chuẩn chẩn đoán MIS-C nhằm giúp cải thiện khả năng chăm sóc và nghiên cứu lâm sàng về hội chứng này.

 Nghệ An cứu sống trẻ 8 tuổi bị hội chứng MIS-C do mắc COVID-19 Nghệ An cứu sống trẻ 8 tuổi bị hội chứng MIS-C do mắc COVID-19

SKĐS - Khi vào viện, trẻ sốt cao liên tục hơn 39°C, kích thích, ban đỏ da dạng toàn thân, ngứa nhiều, kết mạc mắt đỏ, khó thở, đau tức ngực, các chỉ số viêm tăng rất cao (procalcitonin 4.495 ng/mL, CRP định lượng 253.8 mg/L).

Mời xem video được quan tâm:

Tiêm chủng an toàn ở TP.HCM


BS. Tài Văn
Ý kiến của bạn