Hà Nội

Hội chứng viêm cầu thận là gì?

28-07-2023 10:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Người mắc viêm cầu thận có thể có những biểu hiện như phù, tiểu máu, sốt, tăng huyết áp... Nếu không điều trị kịp thời viêm cầu thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Viêm cầu thận là gì?

Hội chứng viêm thận là một biểu hiện của viêm cầu thận và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận.

Nguyên nhân của viêm cầu thận

Viêm cầu thận có thể do các nguyên nhân sau gây ra:

- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ký sinh trùng: Sau nhiễm liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm gan virus, HIV, sốt rét…

- Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, bệnh thận IgA, viêm mạch ANCA…

- Bệnh mạch máu: u hạt, Scholein-Henoch…

- Thuốc, hóa chất: muối vàng, kháng sinh, NSAID…

- Dị ứng: phấn hoa, nọc ong…

- Bệnh lý khác: Đái tháo đường, tăng huyết áp, khối u, hội chứng Alport…

Biểu hiện viêm cầu thận

Dựa trên cơ sở hình thái học của cầu thận có thể chia thành viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh có thể phân thành bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát.

Dù là viêm cầu thận cấp tính hay mãn tính, tùy theo tính chất khởi phát hoặc mức độ bệnh, các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh khác nhau.

BSCKII Trịnh Hùng giải đáp về các dấu hiệu viêm cầu thận và cách điều trị bệnh.

Một số triệu chứng chung của viêm cầu thận thường gặp là:

Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng do biến chứng của bệnh như:

  • Sốt
  • Nhiễm trùng
  • Thiếu máu
  • Suy tim
  • Phù phổi
  • Tràn dịch đa màng…

Phương pháp điều trị viêm cầu thận

Viêm cầu thận chữa thế nào? Tùy theo thể lâm sàng viêm cầu thận cấp hay viêm cầu thận mạn bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Có thể tùy vào các trường hợp, phương pháp điều trị sẽ là đơn trị liệu hoặc đa trị liệu.

Đối với viêm cầu thận nguyên phát chủ yếu là điều trị đặc hiệu. Còn đối với viêm cầu thận thứ phát sẽ điều trị theo nguyên nhân.

Viêm cầu thận cấp thường tiên lượng tốt hơn và có thể khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị bao gồm:

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt. Bệnh nhân không lao động quá sức trong giai đoạn cấp tính. Đồng thời cần ăn nhạt, tránh nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh.

- Điều trị nguyên nhân: kháng sinh nếu do nhiễm khuẩn, kháng virus nếu do nhiễm virus…

- Điều trị triệu chứng: dùng thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp, corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch.

Nếu bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân kèm theo, bệnh nhân sẽ được điều trị để kiểm soát tốt bệnh lý toàn thân như huyết áp, tiểu đường…

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp viêm cầu thận có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng, huyết khối, phù phổi, suy thận cấp, suy thận mạn hoặc các biến chứng do tăng huyết áp như suy tim, đột quỵ…

Ngoài ra, trong điều trị viêm cầu thận sẽ phải kết hợp việc điều trị và chế độ ăn theo từng giai đoạn bệnh. Ví dụ như trong giai đoạn bệnh nhân có phù, tiểu ít cần ăn nhạt, giảm muối, lượng nước đưa vào cơ thể ít hơn.

Điều trị viêm cầu thận uống thuốc gì?

Điều trị viêm cầu thận phải cá thể hóa theo từng người bệnh. Tùy thuộc tính chất cấp tính hay mạn tính, mức độ bệnh, nguyên nhân bệnh và đáp ứng điều trị mà có thể sử dụng một hoặc nhiều nhóm thuốc khác nhau. Như thuốc lợi tiểu, kháng sinh, hạ áp, steroid, thuốc ức chế miễn dịch, phẫu thuật cắt amydal, lọc huyết tương, thay huyết tương…

Hội chứng viêm cầu thận là gì? - Ảnh 1.

Người mắc bệnh viêm cầu thận nên ăn gì, kiêng gì?

Người mắc viêm cầu thận cần lưu ý trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Chế độ ăn uống sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

  • Cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu protein, chất béo, kali và muối
  • Bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp và đường máu nếu có tăng huyết áp hoặc đái tháo đường
  • Không hút thuốc lá,
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Không lao động quá sức

Phòng ngừa viêm cầu thận

Không có phương pháp nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh viêm cầu thận. Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh chúng ta cần thay đổi lối sống và có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra nguy cơ hoặc điều trị sớm nếu có bệnh.
  • Kiểm soát tốt huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân
  • Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục
  • Uống đủ nước
  • Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối, chất béo
  • Kiểm soát tốt lượng kali và protein nạp vào cơ thể.

Xem thêm video được quan tâm:

Các Thực Phẩm Ngon Nhưng Người Mắc Bệnh Thận Cần Tuyệt Đối Tránh | SKĐS


BSCKII Trịnh Hùng
Phó Trưởng khoa Nội Thận khớp - Bệnh viện 198
Ý kiến của bạn