Hội chứng vết loét - hạch - ban trong bệnh sốt mò

04-12-2014 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt.

HỎI: Vừa qua trên báo chí thấy xuất hiện bệnh sốt mò, khi tìm hiểu thì biết bệnh này đặc trưng bởi vết loét - hạch - ban nên chẩn đoán không khó. Vậy tại sao nhiều trường hợp vẫn không chẩn đoán ra?

(Nguyễn Thanh Phương - Bình Phước)

Trả lời: Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh phân bố chủ yếu ở châu Á (Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương), từ Nhật Bản sang Pakistan, từ Triều Tiên xuống Bắc Úc, tính chất những ổ dịch nhỏ rải rác (đảo Typhus) trên các trảng bìa rừng, các rừng mới phá hoặc mới trồng, vùng giáp danh, nơi nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy, những điểm có bóng mát dâm và đất ẩm, thậm chí vùng sa mạc mới khai khẩn và núi cao Hymalaya cũng có.

Triệu chứng của bệnh sốt mò. Ảnh: internet
Triệu chứng của bệnh sốt mò. Ảnh: internet

Hội chứng vết loét - hạch - ban gồm: vết loét gặp ở nhiều nơi khắp cơ thể, thông thường ở chỗ da non và ẩm. hay gặp là ở bộ phận sinh dục; nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng sau mới tới chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ, đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như: vành tai, rốn, mi mắt. Vết loét thường hình tròn hoặc bầu dục, đường kính nhỏ là 1mm, tới lớn là 2cm. nếu có vảy thì vảy đen, cứng phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. Nếu vẩy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch không tiết dịch, không có mủ. bệnh nhân không hề biết có vết loét vì hoàn toàn không đau, không ngứa, không tức, rát. Vào tuần thứ 3 thì vết loét liền, da trở lại bình thường. Hạch to: có 2 loại hạch to: Viêm hạch khu vực nguyên phát và viêm hạch toàn thân thứ phát. Ban: xuất hiện ở cuối tuần một và đầu tuần 2 của bệnh. Thường là ban dát sẩn, kích thước từ hạt kê đến 1cm đường kính. mọc khắp toàn thân (lưng, ngực, bụng, tứ chi) trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, khoảng 10% có ban xuất huyết. Ban tồn tại từ vài giờ tới một tuần.

Với những triệu chứng trên thì bệnh khác cũng có thể gặp phải nên việc chẩn đoán nhiều khi không tốt.

BS.CkII. Đặng Minh Trí

 


Ý kiến của bạn