1. Nguyên nhân gây hội chứng truyền máu song thai
Nhau thai là một bộ phận vô cùng quan trọng, cung cấp oxy cũng như các chất dinh dưỡng cần có cho thai nhi phát triển và khỏe mạnh. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, lượng máu trong mạch máu ở bên trong người mẹ phát triển không đều và dẫn đến các dấu hiệu bất thường.
Hội chứng truyền máu song thai là một bệnh lý hiếm gặp. Tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra.
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng một bánh nhau.
Hội chứng sẽ dẫn đến tình trạng máu phân phối không đều giữa các thai nhi do ở bánh nhau xuất hiện những bất thường trong mạch máu, khiến lượng máu cung cấp cho một đứa trẻ được truyền đến đứa trẻ còn lại qua nhau thai.

Hội chứng truyền máu song thai rất hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm
Một trẻ cho máu và một trẻ nhận máu, trẻ nhận máu thường sẽ lớn hơn, huyết áp cao hơn so với bình thường, trẻ còn lại không nhận đủ lượng máu và chất dinh dưỡng, oxy nên sẽ nhỏ hơn. Khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90-100% thai nhi sẽ chết. Trường hợp một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề.
Hội chứng truyền máu song thai gây nên do sự thông nối tuần hoàn bánh nhau giữa các thai, thường gặp nhất là thông nối động – tĩnh mạch (chiếm 90 – 95%), khi đó máu không được truyền đến hai thai một cách đồng đều, trong đó một thai "cho" và một thai "nhận".
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra sớm nhất là 13 tuần và muộn nhất là sau 30 tuần, thường vào khoảng 24 – 27 tuần. Hội chứng truyền máu song thai là một bệnh lý diễn tiến chậm. Hội chứng truyền máu song thai xảy ra càng sớm tiên lượng càng xấu, với tử suất chu sinh là 40 – 80%.
2. Triệu chứng hội chứng truyền máu song thai
Hội chứng truyền máu song thai thường sẽ được phát hiện thông qua siêu âm và sàng lọc trước sinh, trước khi thai phụ cảm nhận được các triệu chứng.
Khi hội chứng truyền máu song thai bắt đầu phát triển, thai phụ có thể gặp các triệu chứng như phù, bụng to nhanh, khó thở, nôn mửa, tăng huyết áp…Đó là biểu hiện của một thai nhi có hệ tuần hoàn phải làm việc quá mức (thai nhi nhận nhiều máu).
Thông thường người mẹ thường nhận ra triệu chứng đầu tiên sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, hội chứng này thường được phát hiện bằng siêu âm thai định kỳ trong giai đoạn từ 16 đến 22 tuần.
Ghi nhận cho thấy hội chứng truyền máu song thai không có triệu chứng rõ rệt, khi thai phụ cảm thấy tức bụng là đã ở vào giai đoạn cuối, khả năng thai nhi tử vong trong bụng mẹ rất cao. Có trường hợp khi thai nhi đã 27 tuần, tức ở giai đoạn nguy hiểm vì vượt ngưỡng cho phép can thiệp (từ 16-26 tuần).
3. Hội chứng truyền máu song thai có lây không?
Hội chứng truyền máu song thai là một hiện tượng không hề hiếm gặp với mẹ bầu khi mang song thai. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm của một cặp song thai khi cùng trứng nhưng khác túi ối. Vì vậy, không phải là bệnh lây nhiễm nên hội chứng truyền máu song thai không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng truyền máu song thai
Để phòng ngừa hội chứng truyền máu song thai điều quan trọng nhất đó là siêu âm thai đúng lịch và can thiệp chữa trị sớm nhất khi có thể.
Chăm sóc trước sinh chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Thai phụ nên duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý trước và trong thai kỳ cho đến khi việc sinh nở diễn ra an toàn. Uống các loại vitamin và khoáng chất khi mang thai đúng như chỉ định của bác sĩ, khám thai đúng lịch để lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ đối với những trường hợp song thai có nguy cơ hội chứng truyền máu song thai.
Những mẹ bầu có song thai cùng trứng cần phải được thường xuyên theo dõi tại các cơ sở y tế có khoa sản với đầy đủ kỹ thuật và năng lực chuyên môn. Ít nhất 2 tuần 1 lần, thai phụ cần thực hiện siêu âm màu Doppler bắt đầu từ tuần thai thứ 16 đến tận lúc chuẩn bị lâm bồn. Bởi vì cơ hội chữa trị sẽ cao hơn rất nhiều nếu tình trạng truyền máu song thai được chẩn đoán trước khi thai nhi 20 tuần tuổi. Việc can thiệp là rất khó khăn và tỷ lệ thành công thấp sau khi 2 bé ở tuần thai 24.
Khi tiến hành siêu âm màu Doppler, có khả năng phát hiện truyền máu song thai khi: Nhận ra sự chênh lệch lớn giữa trọng lượng của 2 bào thai và đường kính của 2 túi ối; Một thai nhi không có hình ảnh của bàng quang; Ống tĩnh mạch, tĩnh mạch rốn, động mạch,... xuất hiện những sóng bất thường.
5. Điều trị hội chứng truyền máu song thai
Cho đến nay vẫn chưa có một điều trị đặc hiệu nào cho những trường hợp hội chứng truyền máu song thai mà chỉ có một số phương pháp điều trị tạm thời như:
- Chọc phá vách ngăn để làm thông thương giữa 2 buồng ối.
- Đốt laser các mạch máu thông nối ở phần nông của bánh nhau.
- Huỷ thai chọn lọc: làm chết thai nhi có tình trạng nặng.
- Chọc dẫn lưu nước ối định kỳ.
- Dùng thuốc chống viêm cho mẹ.
- Giảm thể tích nước ối.
- Truyền máu cho thai trong buồng tử cung Mở thông giữa hai buồng ối Hủy một thai bằng cắt dây rốn hoặc bằng laser.
Việc lựa chọn điều trị nào là tốt nhất cho thai nhi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và tuổi thai của thai nhi khi được chẩn đoán.
Nếu không được điều trị, hầu hết các trường hợp hội chứng truyền máu song thai đều bị sinh cực non. Ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong thai nhi và tỉ lệ tử vong sơ sinh là 40% và 60%. Tử vong thai nhi hay sơ sinh có thể do sanh non, chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu sản phổi, suy tim cung lượng cao.
Khi hội chứng truyền máu song thai xuất hiện trước tuần thứ 20 cùa thai kỳ, thai nhi tử vong gần như là 100% nếu không được điều trị. Hội chứng truyền máu song thai mức độ nặng xảy ra trước tuần thứ 16 của thai kỳ là một chỉ định để cân nhắc chấm dứt thai kỳ do tiên lượng rất kém.
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra sớm trong thai kỳ (trước tuần thứ 26) có thể gây tử vong cho các thai nhi (80% – 90%) hoặc gây nên tổn thương trầm trọng. Nếu hội chứng truyền máu song thai xảy ra sau tuần thứ 26 của thai kỳ, thai nhi thường có cơ hội sống hơn và ít bị tổn thương hơn.
Nhiều trẻ được sinh ra từ thai kỳ có hội chứng truyền máu song thai biểu hiện tổn thương thần kinh. Do đó, kiểm tra hình ảnh học (MRI, CT Scan) của não bộ trong vòng 48 giờ sau sinh và theo dõi sát sự phát triển thần kinh về sau là điều cần thiết ở các trẻ bị hội chứng truyền máu song thai.
.