Hội chứng trào ngược dạ dày

20-04-2017 18:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi năm nay 40 tuổi, không uống rượu bia, gần một năm trở lại đây, bị chứng hay nghẹn ở cổ kèm với ợ hơi, có cảm giác luôn luôn bị mắc nghẹn ngay cổ.

Tôi năm nay 40 tuổi, không uống rượu bia, gần một năm trở lại đây, bị chứng hay nghẹn ở cổ kèm với ợ hơi, có cảm giác luôn luôn bị mắc nghẹn ngay cổ. Tôi có đi nội soi dạ dày tá tràng, kết quả là bị viêm thực quản trào ngược. Tôi đã uống nhiều thuốc nhưng triệu chứng đó vẫn không khỏi, mấy ngày gần đây vào buổi chiều tôi hay bị khó thở và mệt. Nên điều trị như thế nào để bệnh dứt hẳn?

(H. B. - An Giang)

Ở điều kiện sinh lý bình thường, khi ta nuốt, thức ăn theo thực quản đi xuống dạ dày và sau khi dạ dày hoàn thành nhiệm vụ của mình thì thức ăn tiếp tục đi xuống ruột non và các phần tiếp theo của hệ tiêu hóa.

Hội chứng trào ngược dạ dày

Trong bệnh trào ngược thực quản dạ dày, thức ăn cùng với các chất dịch tiêu hóa trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân và lâu ngày sẽ gây ra các biến chứng. Có 2 nhóm nguyên nhân chính của bệnh là do nguyên nhân tại dạ dày như: hẹp môn vị, tăng tiết axít, khi áp lực ở dạ dày tăng lên... và nguyên nhân do cơ vòng thực quản bị yếu; ngoài ra còn thấy bất thường của cơ hoành như trong thoát vị lỗ cơ hoành cũng gây trào ngược thực quản dạ dày. Cho nên, việc điều trị khỏi hẳn bệnh còn tùy thuộc vào nguyên nhân, làm giảm sự trào ngược, hạn chế các biến chứng của trào ngược, làm các chất trào ngược lên nhanh chóng ra khỏi thực quản và bảo vệ niêm mạc thực quản.

Về điều trị, với tình trạng trào ngược không có biến chứng, thường chỉ cần giảm cân, nằm ngủ có gối đầu cao hơn giường khoảng 15cm và tránh các yếu tố làm tăng áp lực trong dạ dày; cần tránh ăn các chất béo, cà phê, chocolate, tránh uống rượu, nước cam, tránh dùng một số thuốc  ức chế canxi và các thuốc giãn có trơn,  tránh uống nhiều nước cùng với bữa ăn. Nếu không đỡ, có thể dùng thêm thuốc ức chế H2 như Omeprazol 20mg uống lúc bụng đói mới ngủ dậy, hay Nexium 40mg. Trong những trường hợp nặng, ngoài việc tuân thủ triệt để các biện pháp nêu trên, dùng thuốc kháng H2 liều cao hơn; nếu bệnh chưa đỡ, dùng thêm Metoclopramid 10mg, uống 30 phút trước khi ăn và trước khi đi ngủ, để tăng trương lực cơ vòng thực quản, đẩy thức ăn nhanh chóng từ dạ dày xuống ruột; các thuốc ức chế bơm proton như Omeprazole là thuốc rất có hiệu quả trong việc làm lành vết loét thực quản do trào ngược. Trong điều trị viêm thực quản do trào ngược, thường đòi hỏi phải điều trị từ 3 - 6 tháng, để phòng tái phát. Với bệnh, có biến chứng chít hẹp thực quản có thể dùng thuốc giãn cơ và điều trị trào ngược tích cực, tó thể phối hợp với nong cơ vòng thực quản có bóng qua nội soi, là phương pháp tốt giúp cho bệnh nhân ăn được dễ dàng hơn; biến chứng chảy máu do loét thực quản ít khi nặng, thường không cần phải can thiệp phẫu thuật.

Điều trị phẫu thuật dành cho những trường hợp kháng trị và có biến chứng mặc dù đã điều trị tích cực trong một thời gian dài; phẫu thuật là nhằm “gia cố” cơ vòng thực quản bằng cách lấy đáy dạ dày bao quanh cơ vòng thực quản, ngày nay phẫu thuật này có thể thực hiện qua nội soi.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn