Hội chứng tiền kinh nguyệt, phương pháp chẩn đoán và điều trị

22-12-2022 16:04 | Bệnh phụ nữ
google news

SKĐS - Hội chứng tiền kinh nguyệt là những triệu chứng xảy ra trước kỳ kinh nguyệt mà 20-50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gặp phải.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là rối loạn pha hoàng thể tái phát, có đặc điểm là dễ kích thích, lo lắng, không ổn định về tình cảm, trầm cảm, phù, đau bụng, đau ngực và đau đầu, xảy ra trong 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

Chu kỳ kinh nguyệt được phát sinh do thay đổi nội tiết trong cơ thể và thể hiện ra bên ngoài bằng việc bong niêm mạc tử cung và chảy máu ra ngoài hằng tháng. Chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến thay đổi nội tiết và hội chứng tiền kinh nguyệt cũng xuất phát từ hiện tượng này.

Khoảng 20-50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hội chứng tiền kinh nguyệt; khoảng 5% có một dạng hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng gọi là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Nguyên nhân hội chứng tiền kinh nguyệt

Tuy chưa có những nguyên nhân thực sự rõ ràng nhưng hội chứng tiền kinh nguyệt có liên quan đến các yếu tố sau:

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? - Ảnh 1.

Có tới 20-50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt.

1. Yếu tố nội tiết 

Ví dụ như hạ đường huyết, các thay đổi khác trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, tăng prolactin máu, biến động về mức độ tuần hoàn estrogen và progesterone, đáp ứng bất thường với estrogen và progesterone, thừa aldosterone hoặc ADH.  

2. Khuynh hướng di truyền 

Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em có hội chứng tiền kinh nguyệt thì khả năng mắc cao.

3. Cơ thể thiếu magiê và canxi

Trong chế độ ăn của người Việt Nam thường thiếu magiê và canxi so với các nước châu Âu. 

 4. Estrogen và progesterone có thể gây giữ dịch tạm thời giống như thừa aldosterone hoặc ADH. 

5.  Sự thiếu hụt serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh):  

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hội chứng tiền kinh nguyệt có nồng độ serotonin thấp hơn. Sự thiếu hụt serotonin làm xuất hiện các dấu hiệu mất ngủ lo âu, trầm cảm, kích động, thay đổi về tình cảm, thay đổi về biểu hiện cảm xúc…

Triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất đa dạng, mức độ và cường độ ở mỗi người và mỗi chu kỳ là không giống nhau. Hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra trong một thời gian không ngắn (gần 1/3 tháng), ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Trong đó có 3 triệu chứng nổi bật: Về tâm thần, cảm xúc; Đau; Phù, giữ nước.

Một số triệu chứng không thường gặp khác là rối loạn thần kinh (choáng, ngất), buồn nôn, thay đổi khẩu vị…

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?  - Ảnh 1.

Một số triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Các rối loạn trước đó có thể trầm trọng hơn trong khi các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt đang xảy ra, bao gồm:

- Rối loạn da

- Các vấn đề về mắt (ví dụ: viêm kết mạc)

- Rối loạn co giật (tăng co giật)

- Rối loạn mô liên kết (ví dụ: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, với các đợt bùng phát)

- Rối loạn hô hấp (ví dụ: dị ứng, nhiễm trùng)

Đau nửa đầu

- Rối loạn khí sắc (ví dụ trầm cảm, lo âu)

- Rối loạn giấc ngủ (ví dụ mất ngủ, chứng quá mất ngủ).

Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, phụ nữ phải có từ 5 trong số các triệu chứng sau trong hầu hết tuần trước khi có kinh và các triệu chứng phải giảm thiểu hoặc biến mất trong tuần sau khi có kinh nguyệt. Các triệu chứng phải bao gồm một hoặc nhiều các triệu chứng có liên quan đến tâm trạng sau:

- Thay đổi tâm trạng rõ rệt: đang buồn tự dưng vui, căng thẳng..

- Sự cáu kỉnh hoặc tức giận rõ rệt hoặc gia tăng mâu thuẫn giữa các cá nhân

- Khí sắc giảm đáng kể, cảm giác tuyệt vọng hoặc những suy nghĩ tự hối lỗi

- Ghi nhận sự lo lắng, căng thẳng hoặc một cảm giác chơi vơi.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? - Ảnh 3.

Một trong những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt là thay đổi tâm trạng rõ rệt.

Ngoài ra phải có nhiều hơn một điểm sau:

- Giảm quan tâm trong hoạt động bình thường

- Khó tập trung

- Giảm năng lượng, mệt mỏi

- Thay đổi về khẩu vị: thèm ăn, ăn quá nhiều, thay đổi về khẩu vị

- Mất ngủ hoặc tăng ngủ, thường sẽ mất ngủ nhiều hơn.

Ngực căng đau, khó chịu, phù nề.

Hơn nữa, các triệu chứng phải xuất hiện trong hầu hết 12 tháng trước đó và các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng và can thiệp vào các hoạt động và chức năng hàng ngày. 

Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt

Thay đổi lối sống

Người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt nên tập thể dục theo các phương pháp khác nhau. Trong đó các chuyên gia khuyên những người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt nên lựa chọn yoga. 

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? - Ảnh 4.

Yoga là một trong những môn thể dục mà người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt nên chọn.

Thư giãn: đọc sách, xem phim, đi du lịch… cố gắng ngủ đủ giấc trong ngày.

Thay đổi chế độ ăn

- Bổ sung carbohydrate phức hợp. Các loại thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì ngũ cốc, mỳ ồng, hạt ngũ cốc thường, lúa mạch, gạo nâu, đậu lăng...

- Bổ sung canxi giúp giảm cảm giác buồn bã khó chịu và liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt

- Giảm chất béo, muối và đường trong bữa ăn

- Tránh tiêu thụ đồ uống có cồn và đồ uống có chứa caffein

- Chia nhỏ bữa ăn giúp no bụng suốt cả ngày, giữ lượng đường trong máu luôn ổn định tránh cáu kỉnh

Thuốc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt

Dùng các loại thuốc giảm đau ( ibuprofen, aspirin hoặc acetaminophen), thuốc lợi tiểu giảm phù, thuốc tránh thai đường uống…


ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Ý kiến của bạn