Nguyên nhân gây hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư là tình trạng mất protein qua nước tiểu > 3g protein/ngày do tổn thương cầu thận kèm theo phù và giảm albumin máu. Nguyên nhân dẫn tới hội chứng thận hư có thể do nguyên phát hoặc thứ phát.
Hội chứng thận hư nguyên phát là do bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu, bệnh cầu thận màng, bệnh cầu thận xơ hóa ổ cục bộ, bệnh cầu thận màng tăng sinh…
Hội chứng thận hư thứ phát có thể do các nguyên nhân sau:
- Các bệnh lý khối u, ung thư.
- Do thuốc: muối vàng, kháng sinh, NSAID…
- Do nhiễm trùng: Giang mai, viêm gan virus, HIV…
- Dị ứng: phấn hoa, nọc ong…
- Bệnh thận khác: Lupus, bệnh thận IgA, thận đa nang.
- Bệnh lý khác như đái tháo đường, viêm tuyến giáp, viêm mạch máu…
- Nguyên nhân khác như nhiễm độc thai nghén, bệnh thận ghép…
BSCKII Trịnh Hùng cảnh báo về tình trạng tổn thương thận do giun đũa chó mèo và việc tự ý điều trị bằng thuốc không rõ nguồn gốc.
Tại sao trẻ em 2-3 tuổi thường hay gặp hội chứng thận hư? Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng thận hư ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân. Theo một số nghiên cứu, căn bệnh này có thể có căn nguyên do những bất thường trong quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch hoặc liên quan đến yếu tố gen.
Dấu hiệu nhận biết thận hư
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư bao gồm:
- Phù, tiểu ít, nước tiểu có bọt, tăng cân. Có thể có khó thở do tràn dịch đa màng
- Protein niệu > 3.5g/24h
- Protein máu < 60 g/l
- Albumin máu < 30 g/l
- Cholesterol máu > 6.5 mmol/l
Dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư. Bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm thông qua việc khám sức khỏe định kỳ.
Điều trị hội chứng thận hư
Việc điều trị hội chứng thận hư sẽ bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị dự phòng nhiễm khuẩn.
Điều trị triệu chứng:
- Phù: Thuốc lợi tiểu, bù dung dịch keo như albumin, huyết tương tươi.
- Kiểm soát huyết áp
- Thuốc giảm lipid máu, chống đông đối với những trường hợp có nguy cơ tắc mạch, tiền sử vữa xơ động mạch, bệnh mạch vành…
Điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn:
- Nếu trong trường hợp hội chứng thận hư thứ phát thì điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
- Đối với hội chứng thận hư nguyên phát. Việc điều trị cơ bản là sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong đó lựa chọn đầu tiên là đơn trị liệu với steroid. Ngoài ra, tùy trường hợp có thể phối hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác.
Trẻ em thường có đáp ứng điều trị tốt hơn so với người lớn. Nhiều trường hợp có thể ngừng tái phát bệnh trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, hội chứng thận hư là bệnh dễ tái phát kể cả sau khi ngừng phát triển bệnh trong một thời gian dài.
Hội chứng thận hư nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng, huyết khối, tắc mạch, suy hô hấp, suy thận cấp, suy thận mạn…
Điều trị thận hư có trẻ em có khác gì so với người lớn?
Về cơ bản điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em tương tự như người trưởng thành. Vì bản chất cơ chế bệnh sinh về miễn dịch là tương đương. Tuy nhiên, cần lưu ý 1 số thuốc ức chế miễn dịch gây ức chế tủy xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan sinh dục hay giảm chất khoáng tạo xương như Cyclophossphamide, MMF…
Trẻ bị hội chứng thận hư không nên tiêm những loại vaccine sống như: Thủy đậu, sởi, lao... trong thời gian điều trị với steroid liều cao hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch khác. Trẻ có thể tiêm phòng vaccine sau 1 tháng dừng điều trị steroid liều cao hoặc đã giảm xuống liều thấp.
Tình trạng tổn thương thận do nhiễm giun đũa chó, mèo hiện nay đang khá phổ biến. Vì vậy để phòng ngừa người dân cần tẩy giun cho chó, mèo định kỳ. Nên có khu vực vệ sinh cho vật nuôi riêng và cẩn trọng khi tiếp xúc. Đồng thời khi có những triệu chứng như ngứa, nổi sẩn ở da, táo bón và tiêu chảy xen kẽ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Người mắc hội chứng thận hư nên ăn gì kiêng gì?
Người bệnh mắc hội chứng thận hư cần lưu ý chế độ dinh dưỡng như:
- Giảm muối: Có thể cải thiện tình trạng tăng huyết áp và phù.
- Chọn các thực phẩm giàu protein: Trứng, thịt gia cầm, cá, cua, tôm, các loại đậu; cần giảm thịt đỏ. Tuy vậy, lượng đạm cần phải phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
- Hạn chế nước uống khi đang phù.
- Hạn chế kali và phospho đối với các trường hợp đang có suy thận.
- Không sử dụng các loại chất béo bão hòa trong sữa, mỡ động vật; đồ ăn chế biến sẵn.
- Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả giàu chất xơ.
Các bài thuốc dân gian cũng như y học cổ truyền cũng có rất nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh lý thận có nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi, suy tim, suy thận, huyết khối, tắc mạch thậm chí đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh thận người dân cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xét nghiệm và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.
Xem thêm video được quan tâm:
Chứng Thận Hư Thận Yếu – Hiểu Đúng Bệnh, Chữa Đúng Cách | SKĐS