Hội chứng thận hư có khó trị?

21-10-2018 07:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hội chứng thận hư có thể xảy ra sau khi nhiễm trùng, do thuốc, nhiễm độc thai nghén, rối loạn do di truyền, bệnh tự miễn, bệnh hệ thống như tiểu đường, lupus ban đỏ hệ thống, đa u tủy... Hội chứng thận hư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam ít bị hơn nữ...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hội chứng thận hư, làm tổn thương thận, đặc biệt là tổn thương màng đáy cầu thận, là nguyên nhân bất thường làm xuất hiện protein trong nước tiểu.

Hội chứng thận hư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, hội chứng thận hư thường xảy ra ở tuổi từ 2-6 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em là bệnh cầu thận với sang thương tối thiểu, còn ở người lớn nguyên nhân thường gặp là viêm vi cầu thận màng (sang thương màng).

Hội chứng thận hư có thể xảy ra sau nhiễm trùng, do thuốc, nhiễm độc thai nghén, rối loạn do di truyền, bệnh tự miễn, bệnh hệ thống như tiểu đường, lupus ban đỏ hệ thống, đa u tuỷ và thoái hoá dạng bột; có thể kèm theo suy thận bao gồm: Viêm vi cầu thận, xơ hoá cầu thận khu trú và từng vùng.

Chẩn đoán như thế nào?

Khi khám và làm các xét nghiệm, hội chứng thận hư sẽ có các yếu tố sau:

- Phù: Phù ở bệnh nhân thận hư có đặc điểm phù tiến triển nhanh; phù mềm, trắng; phù toàn thân và thường kèm theo cổ trướng hoặc tràn dịch màng phổi; phù hay tái phát; thường giảm khi được điều trị glucocorticoid; kèm theo phù thì số lượng nước tiểu cũng giảm nhưng ít khi vô niệu.

- Protein niệu trên 3,5g/ 24giờ.

- Protein máu dưới 60 g/lít, Albumin máu dưới 30 g/lít.

- Cholesterol máu tăng trên 6,5 mmol/l

- Có hạt mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ trong nước tiểu.

Trong đó tiêu chuẩn protein niệu tăng; protein máu và albumin máu giảm là tiêu chuẩn bắt buộc, 3 tiêu chuẩn khác có thể không đầy đủ cũng được coi là hội chứng thận hư.

Hội chứng thận hư có khó trị?

Điều trị bệnh ra sao?

Thận hư là một bệnh mạn tính, diễn biến với các đợt bột phát. Dưới tác dụng điều trị sẽ làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn. Nhưng bệnh thường tái phát, do đó phải theo dõi lâu dài nhiều năm và thuyết phục bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị. Mục tiêu điều trị là nhằm giảm triệu chứng, ngừa biến chứng và kéo dài thời gian lui bệnh, làm chậm quá trình tổn thương thận.

Điều trị đặc hiệu:

Liệu pháp corticoid: Đợt phát bệnh đầu tiên, giai đoạn tấn công sử dụng prednisolon. Nếu đáp ứng điều trị (xét nghiệm nước tiểu 24 giờ không thấy protein niệu hoặc chỉ còn dạng vết) thì tiếp tục điều trị prednisolon cách ngày trong vòng 4- 6 tuần, sau đó giảm dần liều. Sau đó phải duy trì prednisolon kéo dài hàng năm theo chỉ định. Nếu bệnh nhân không đáp ứng prednisolon thì cần phải sinh thiết thận và dựa vào kểt quả mô bệnh học để có hướng điều trị tiếp.

Điều trị đợt tái phát, với thể ít tái phát (dưới 1 lần trong vòng 6 tháng) thì áp dụng điều trị giống như đợt đầu. Thể hay tái phát (2 lần tái phát trở lên trong 6 tháng) hay phụ thuộc corticoid: Liều tấn công như đợt đầu cho đến khi hết protein niệu. Sau đó phải dùng liều duy trì kéo dài và giảm dần liều cho đến 1 năm.

Corticoid là thuốc chống viêm, làm giảm đáp ứng miễn dịch, thuốc đào thải qua nước tiểu và mật, có thể gây nhiều tác dụng phụ như: Teo cơ, loét dạ dày, loãng xương, rối loạn tâm thần, tăng huyết áp, đái tháo đường... Do vậy, cần cân nhắc dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân có các bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, động kinh. Khi dùng thuốc cần theo dõi cân nặng, đo huyết áp, glucose máu.  Để hạn chế các biến chứng, cần uống thuốc sau khi ăn no, không lạm dụng thuốc và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, khi có tai biến cần phải ngừng thuốc và xử trí kịp thời.

Các thuốc ức chế miễn dịch dùng trong trường hợp bệnh hay tái phát, phụ thuộc, kháng hoặc có biểu hiện ngộ độc corticoid.

Các thuốc như cyclophosphamid hoặc clorambucil điều trị trong 8 tuần; hoặc cyclosporin trong  6- 12 tháng.

Khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Vì vậy có thể cho thêm levamisol để tăng cường miễn dịch.

Điều trị triệu chứng:

Trong giai đoạn đầu của hội chứng thận hư khi bệnh nhân chưa đáp ứng với điều trị, các biện pháp điều trị này có thể là cần thiết và đây là các biện pháp điều trị duy nhất cho những bệnh nhân có hội chứng thận hư dai dẳng không đáp ứng với bất cứ một biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

Hội chứng thận hư có khó trị?Phù chân, một biểu hiện của hội chứng thận hư.

Giảm phù: Trong giai đoạn phù to phải ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít thì chỉ cần ăn nhạt tương đối, trung bình mỗi ngày một người bình thường ăn khoảng 4-6 gr Na , tương đương 15 gr muối (khoảng 3 muỗng cà phê), ăn nhạt tương đối là mỗi ngày ăn khoảng 5gr muối, lưu ý là trong nước mắm, mỳ chính cũng có chứa muối.

Dùng thuốc lợi tiểu: Tốt nhất là phối hợp kháng aldosteron như aldacton, verospiron với furosemid (lasix) hoặc hypothiazid. Dùng lasix dài ngày có thể gây tăng acid uric máu, khi có suy thận không dùng hypothiazid.

Bù protein cho cơ thể bằng cách tăng protein trong thức ăn (nhu cầu người bình thường mỗi ngày cần ăn khoảng 200gr thịt nạc, bệnh nhân thận hư cần ăn khoảng 300gr/ngày), truyền plasma, albumin là tốt nhất (truyền albumin khi xét nghiệm albumin máu <10 g/l).

Các biến chứng có thể gặp là: Xơ vữa động mạch, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, suy tim sung huyết, phù phổi…

Hạ huyết áp: Giảm huyết áp trung bình hoặc ít nhất là huyết áp tâm thu có tác dụng bảo vệ thận. Nhóm thuốc hạ áp được lựa chọn là nhóm ức chế men chuyển (renitec, coversyl, zestril…) vì theo nghiên cứu nó làm giảm protein niệu.

Dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

Các thuốc khác: Vitamin D2, canxi, yếu tố vi lượng… nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả của protein niệu.

Ngoài ra còn cần theo dõi nước tiểu 24 giờ, cân nặng, huyết áp, nhiệt độ, xét nghiệm protein niệu 24 giờ, xét nghiệm mỗi tuần 1 lần, ure, creatinine máu xét nghiệm 2 lần/tuần, xét nghiệm công thức máu.

Chế độ ăn kiêng cho người bệnh

Không ăn nội tạng động vật: Trong nội tạng động vật có chứa chất khiến cho việc bài tiết và lọc nước tiểu ở thận trở nên khó khăn hơn, lâu ngày còn có nguy cơ mắc các bệnh như sỏi thận, viêm tiết niệu, bàng quang... Các loại thực phẩm là nội tạng như tim, gan, lòng, mề lợn, gà, vịt đều nằm trong diện cần tránh của người bệnh thận hư.

Không nên ăn quá nhiều muối: Một khẩu phần ăn quá mặn có thể dễ dàng tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Đối với người mắc hội chứng thận hư, chức năng hoạt động của thận đã suy yếu thì một chế độ ăn mặn có khả năng làm trầm  trọng thêm bệnh tình rất nhiều. Tốt nhất hãy ăn những đồ ăn nhạt và thanh đạm để giảm bớt áp lực hoạt động của thận.

Hạn chế dầu mỡ: Không cần kiêng hoàn toàn nhưng bạn nên hạn chế tối đa những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ nhất có thể. Bạn nên thay mỡ động vật bằng các loại dầu xuất xứ tự nhiên như dầu đậu nành, dầu oliu, đậu tương...

Không nên uống bia rượu và chất kích thích: Những đồ uống như bia, rượu... có thể trực tiếp phá hoại nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như gan, phổi, tim và thận. Đồng thời còn làm tê liệt, giảm khả năng hoạt động của những cơ quan này.


BS. Nguyễn Thị Thúy
Ý kiến của bạn