((Hỏi chuyện BS. Vũ Văn Dzi, Oklahoma - Mỹ)
Gần đây dư luận Mỹ chấn động vì cảnh sát California tìm lại được bé gái J.Dugard mất tích năm 11 tuổi, nay đã 29 tuổi. Thủ phạm là Garrido, có bệnh cuồng dâm (sex addict) đã cùng vợ giam cô bé trong một chiếc lều sau vườn nhà. Trong thời gian đó, cô đã sinh hai đứa con với Garrido. Tại sao suốt 18 năm, cô bé không tìm cách trốn đi, mặc dù có khi được ra ngoài mua bán? Tôi hỏi BS. Vũ Văn Dzi ở Mỹ là người am hiểu và quan tâm đến những vấn đề xã hội.
Hữu Ngọc: Dưới góc độ tâm lý trị liệu, phân tâm học, anh giải thích thế nào về hiện tượng này?
Vũ Văn Dzi: Các bác sĩ tâm thần từ lâu đã ghi nhận một hội chứng đặc biệt xảy ra ở một số người bị bắt cóc mà sau một thời gian lại kết thân với kẻ bắt mình, không tìm cách trốn. Đó là hội chứng Stockholm (Stockholm syndrom). Sở dĩ gọi thế, do từ trường hợp 5 nhân viên ngân hàng ở thủ đô Stoc kholm (Thụy Điển) sau khi bị bọn cướp bắt làm con tin (1973), kết thân với chúng và bênh vực chúng khi được giải thoát. Từ đó các bác sĩ phát hiện hàng chục trường hợp tuơng tự và phân tích nguyên nhân và cơ chế hiện tượng. Báo chí không rõ tâm lý bất thường của nạn nhân nên làm cho dư luận hiểu sai.
Hữu Ngọc: Vậy phải hiểu thế nào?
Dugard và túp lều nơi cô sống trong thời gian bị bắt cóc. |
Vũ Văn Dzi: Phải giải thích qua hiện tượng Cognitive dissonance (nhận thức lạc điệu): Khi nạn nhân phải đối diện với một hoàn cảnh nghịch thì có thể có phản ứng cam chịu chứ không chống cự. Họ tự biện luận (rationalization) để thích nghi với môi trường mới hòng khỏi bị giết hay bạo hành. Sau một thời gian lâu dài, họ phục tùng, có khi cảm mến sự chăm sóc mà quên là thù địch. Phân tâm học giải thích sâu hơn, cho điều đó xuất phát từ bản năng sinh tồn con người sinh ra đã có. Nạn nhân phụ thuộc thủ phạm như đứa con đối với mẹ cho bú. Vì vậy mà cô Dugard có hai con với tên Garrido mà dư luận coi là một quái vật.
Hữu Ngọc: Nếu như vậy thì lịch sử Đông Tây có nhiều trường hợp bị hội chứng Stockholm?
Vũ Văn Dzi: Đúng vậy! Điển hình là những phụ nữ Sabine bị quân La Mã cướp bắt đem về làm vợ. Khi quân Sabine đến giải cứu thì họ lại đứng về phía gia đình mới La Mã. Có một bức họa tuyệt tác của họa sĩ Pháp David vẽ những phụ nữ ấy đứng ra can hai đội quân La Mã và Sabine đừng giao chiến. Chuyện cổ Hy Lạp có trường hợp nàng Hê-len sau khi bị hoàng tử thành Troa bắt cóc, không chịu về nên gây ra chiến tranh thành Troa mà nhà thơ Homère kể lại trong bản trường ca nổi tiếng Iliat.
Hữu Ngọc: Phải chăng phụ nữ bị bắt trong các cuộc chiến tranh giữa các sắc tộc từ xưa đến nay thường chấp nhận thân phận mới?
Vũ Văn Dzi: Các nhà nhân học văn hoá có nhận định ấy. Dù có chồng hay không, vì bản năng sinh tồn, họ đành lòng với thân phận mới đối với kẻ địch đã sát hại gia đình và thân tộc mình. Những trường hợp như nàng Mỵ Ê tuẫn tiết hay Pênêlôpơ dùng hoãn binh kế không nhiều.
Hữu Ngọc: Trường hợp Mỵ Ê có thể vì khái niệm văn hoá Chăm về thủ tiết mạnh, hoặc thời gian giam giữ chưa dài. Còn trường hợp Công chúa Huyền Trân chưa thật rõ ý nghĩ của nàng, có lẽ cũng do ảnh hưởng Khổng học mạnh, hoặc theo dã sử, thì vì người tình xưa đến đón.
Vũ Văn Dzi: Trên một bình diện lớn hơn, có khi cả một cộng đồng, một dân tộc cũng đành chấp nhận đạo quân xâm lược sau thời gian đổ máu, như phụ nữ Trung Nguyên chấp nhận quân Mông Cổ, Mãn Châu rồi sau đồng hoá. Ở ta, đã có cảnh thổ phỉ bắt phụ nữ bán sang Tàu, họ thích ứng không trốn về. Ở một số vùng du mục Trung Đông và châu Á, lễ cưới có cảnh bắt cóc cô dâu giữa các bộ lạc.
Hữu Ngọc: Ở ta, vùng người Mông tôi vừa đi thăm, lễ cưới vẫn có tục bắt cô dâu về nhà trai. Nhưng tôi cho là tục ấy rất văn minh, vì chỉ là màn kịch có sự thỏa thuận đôi bên trai gái cho trường hợp chàng trai nghèo không có tiền đủ lễ hoặc một bên bố mẹ trai hay gái không bằng lòng.
Vũ Văn Dzi: Chính vì tục lệ này mà ở Mỹ, người Mông gây trở ngại cho pháp luật ở Wisconsin và Minnésota. Nói sang lĩnh vực tù nhân: cũng vì hiện tượng “nhận thức lạc điệu” mà có tù nhân ở lâu trong tù kết thân với quản giáo. Ở Hoa Kỳ, thời kỳ lập quốc, có phụ nữ da trắng bị các bộ lạc da đỏ bắt làm vợ. Nhiều người thuần hoá không muốn trở về khi được giải thoát. Khi buộc phải về, có khi họ thoái thác hoặc tự sát. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, một số tù binh Mỹ xin ở lại Triều Tiên hay Trung Quốc. Ở Việt Nam, sau kháng chiến chống Pháp 1946-1954, có tù binh Pháp, Phi xin ở lại Việt Nam lập gia đình. Không biết có phải do hội chứng Stockholm không?
Hữu Ngọc: Điều này, tôi có thể có ý kiến vì trong kháng chiến chống Pháp, tôi là Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu-Phi. Một số ở lại vì lý do chính trị, một số trí thức Pháp và Đức đi với ta ở lại và lập gia đình vì họ giác ngộ và chiến đấu cho ta. Còn có lý do kinh tế: khá đông tù hàng binh Bắc Phi ở lại tập trung ở trại nông nghiệp vì sợ về nước thất nghiệp.
Hữu Ngọc