Hội chứng Sheehan và nguy cơ thiếu máu sau sinh

06-04-2013 08:23 | Đời sống
google news

Đối với người phụ nữ, những nguy cơ của quá trình thai sản có thể hiện hữu ngay trước mắt như các tai biến sản khoa, bệnh lý tim mạch, gan mật... nhưng cũng có những thương tổn âm thầm xuất hiện rất lâu sau cuộc sinh nở với hậu quả hết sức nặng nề. Đó là hội chứng Sheehan, còn được gọi là suy tuyến yên sau đẻ.

Đối với người phụ nữ, những nguy cơ của quá trình thai sản có thể hiện hữu ngay trước mắt như các tai biến sản khoa, bệnh lý tim mạch, gan mật... nhưng cũng có những thương tổn âm thầm xuất hiện rất lâu sau cuộc sinh nở với hậu quả hết sức nặng nề. Đó là hội chứng Sheehan, còn được gọi là suy tuyến yên sau đẻ.

Vì sao suy tuyến yên sau khi sinh?

Hội chứng Sheehan là một loạt các triệu chứng xuất hiện sau khi sinh nở như mệt mỏi, ăn uống kém, suy giảm nhận thức, mất tập trung... có nguyên nhân do mất máu cấp với số lượng lớn trong cuộc đẻ. Do lượng máu bị mất nhiều dẫn tới máu cung cấp lên não bị suy giảm và làm tổn thương tuyến yên. Đây là một tuyến nội tiết nằm ở nền sọ khiến cho chức năng của tuyến này bị suy giảm hoặc mất. Bình thường, tuyến yên có vai trò như là một tuyến nội tiết “chỉ huy, điều hành” chức năng của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể thông qua việc tiết ra các hormon kích thích các tuyến này duy trì hoạt động bình thường.

Hội chứng Sheehan và nguy cơ thiếu máu sau sinh 1
Phụ nữ sau sinh bị hội chứng Sheehan biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, mất tập trung.

Khi tuyến yên bị suy, lượng hormon tiết ra bị giảm hoặc mất, kết quả là hàng loạt các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận, các tuyến nội tiết – sinh dục cũng bị suy giảm chức năng dẫn đến các triệu chứng xảy ra.

Vì có nguyên nhân tổn thương tuyến yên là do mất máu cấp sau sinh nên hội chứng Sheehan còn được gọi là suy tuyến yên sau đẻ.

Biểu hiện của hội chứng Sheehan

Trong phần lớn các trường hợp, các biểu hiện của hội chứng Sheehan tiến triển âm thầm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau sinh nở. Các dấu hiệu xuất hiện có khi rất kín đáo, người bệnh chỉ cảm thấy mỏi mệt, ăn uống kém không rõ nguyên nhân. Tiếp theo, triệu chứng của suy các tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục... bắt đầu xuất hiện như suy giảm nhận thức, mất tập trung, da lạnh, táo bón, rụng tóc, phù niêm, nhịp tim chậm, mất sữa, mất hoặc rối loạn kinh nguyệt, huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, sụt cân... Xét nghiệm có thể thấy hiện tượng thiếu máu, hạ natri máu và nồng độ hormon tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên... bị suy giảm rõ rệt, chụp cộng hưởng từ thấy có dấu hiệu “hố yên rỗng”. Đôi khi có những trường hợp có triệu chứng hôn mê, co giật do hạ natri máu hoặc tụt huyết áp nặng. Nói chung, việc chẩn đoán hội chứng Sheehan không khó nhưng với các biểu hiện như trên dễ bị nhầm sang các bệnh khác như suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, suy nhược sau sinh...

Điều trị và dự phòng

Tổn thương hoại tử tuyến yên trong hội chứng Sheehan là không hồi phục và việc điều trị chỉ dừng lại ở việc... bù các hormon của tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận... cho bệnh nhân. Các thuốc được sử dụng bao gồm corticosteroides, levothyroxin (levoxyl, synthroid), estrogen, hormon tăng trưởng (GH)... có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện đáng kể các triệu chứng. Những phụ nữ sắp làm mẹ cần kiểm tra sức khỏe và khám thai định kỳ, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để vượt cạn thành công, tránh biến chứng mất máu cấp, tụt huyết áp nặng trong và sau khi sinh nở.

BS. Vũ Phương Anh


Những ai dễ có nguy cơ?

Những thai phụ có nguy cơ bị mất máu trong khi sinh nở như đa thai, ngôi ngược, rau tiền đạo hoặc những người bị các tai biến sản khoa như vỡ tử cung, mất nhiều máu dẫn tới sốc như đờ tử cung, rối loạn đông máu… mà không được kiểm soát tốt bằng truyền máu và duy trì được huyết áp trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cũng chỉ một phần nhỏ trong số thai phụ nói trên có tổn thương suy tuyến yên sau cuộc đẻ.



Ý kiến của bạn