Hội chứng serotonin do thuốc

21-08-2012 11:11 | Thông tin dược học
google news

Serotonin là một chất trung gian hóa học quan trọng của hệ thần kinh trung ương, có tác dụng trên các cơ quan đích như thần kinh, tim mạch, máu, tiêu hóa, tiết niệu...

(SKDS) - Serotonin là một chất trung gian hóa học quan trọng của hệ thần kinh trung ương, có tác dụng trên các cơ quan đích như thần kinh, tim mạch, máu, tiêu hóa, tiết niệu... Với một lượng serotonin bình thường trong máu sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhưng khi chất này tăng cao sẽ xuất hiện hội chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng này.

Biểu hiện của hội chứng serotonin

Một nam thanh niên trẻ được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng kích thích, không tiếp xúc được, mạch nhanh 146 lần/phút, huyết áp 130/70 mmHg, nhiệt độ 38oC, thở nhanh nông, đồng tử giãn. Khám lâm sàng và cận lâm sàng không cho bất cứ một gợi ý chẩn đoán nào. Khai thác kỹ tiền sử cho thấy, bệnh nhân trước đó đã dùng một loại thuốc điều trị trầm cảm…

 Serotonin và tế bào hồng cầu trong động mạch.
Với một lượng serotonin bình thường hằng định trong máu sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi lượng serotonin tăng cao hơn mức bình thường sẽ biểu hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy theo mức tăng của chất này. Các dấu hiệu hay gặp nhất là lú lẫn, mất định hướng, tình trạng hưng phấn, kích thích, chóng mặt, ảo giác, nặng hơn có thể co giật, hôn mê.
 
Các triệu chứng thần kinh - cơ như máy cơ, giật cơ, tăng phản xạ gân xương, run, thất điều, mất hợp tác, co giật nhãn cầu, dấu hiệu Babinski hai bên kèm theo các biểu hiện của tăng cảm hệ thần kinh thực vật: sốt cao; vã mồ hôi; nhịp tim nhanh; tăng huyết áp; giãn – mất phản xạ đồng tử, giãn mạch dưới da; tiêu chảy; tăng tiết nước bọt; đau; cồn ào vùng thượng vị; nặng hơn nữa bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu; tụt huyết áp và tử vong.

Xử trí như thế nào?

Hiện chưa có xét nghiệm đặc hiệu xác định hội chứng serotonin. Việc chẩn đoán dựa vào các triệu chứng xuất hiện nhanh vài phút hoặc vài giờ sau khi dùng các thuốc có nguy cơ gây hội chứng serotonin như đã liệt kê ở trên. Bên cạnh đó cũng cần chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng bệnh lý giống hội chứng serotonin như hội chứng kháng cholin cấp, tình trạng tăng thân nhiệt ác tính, cơn cường giáp cấp, hội chứng cai rượu…

Xử trí hội chứng serotonin phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu biểu hiện nhẹ, chỉ cần ngừng các thuốc nghi là nguyên nhân và theo dõi tình trạng bệnh. Thông thường các triệu chứng sẽ hết sau 24 giờ. Nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa sớm trước 6 giờ có thể rửa dạ dày, cho than hoạt để loại bỏ các thuốc gây hội chứng serotonin. Phối hợp điều trị hạ sốt bằng chườm mát, cho thuốc hạ sốt, bù đủ dịch, cho các thuốc an thần như nhóm benzodiazepin, cho các thuốc làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp như chẹn bêta giao cảm, nitropress, cho thở ôxy hoặc đặt ống nội khí quản, thở máy nếu có suy hô hấp nặng… Có thể sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu là cyproheptadine để làm giảm sản xuất serotonin theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Hội chứng serotonin mặc dù hay xảy ra và có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như cả bệnh nhân và thầy thuốc chú ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc có thể gây hội chứng này để theo dõi và phòng ngừa trong quá trình điều trị bệnh.     
 

Thuốc nào có thể gây hội chứng serotonin?

Có nhiều nhóm thuốc gây tăng nồng độ serotonin máu và khi nồng độ chất này đạt đến một ngưỡng nào đó (tùy đáp ứng ở từng cá thể) sẽ làm xuất hiện triệu chứng của hội chứng serotonin. Nhóm thứ nhất có bản chất là các tiền chất của serotonin như L-tryptophan, các tiền chất này khi vào cơ thể sẽ được sử dụng để tổng hợp serotonin. Nhóm thứ hai làm tăng giải phóng serotonin ra khỏi các kho dự trữ tại các đầu xi–náp thần kinh. Đây là các thuốc loại amphetamin, lithium, MDMA (ecstasy).
 
Nhóm thứ ba làm tăng nồng độ serotonin máu bằng cách ngăn cản hấp thu serotonin trở lại các kho dự trữ. Đại diện cho nhóm thuốc này là các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng; cocaine; dextromethorphan; merperedine; trazodone; venlafaxine… Nhóm thuốc thứ tư ức chế chuyển hóa của serotonin với chất chủ yếu là MAOIs. Nhóm tiếp theo là các chất chủ vận thụ thể của serotonin như các chất buspirone; lysergic acide diethhylamide (LSD) và các chất chủ vận dopamine: L-dopa.
  

TS. BS.Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn