Hà Nội

Hội chứng "sáng thứ hai"

05-11-2012 09:35 | Y học 360
google news

Ngày đầu tuần cứ tưởng là khởi đầu một “trang mới” với biết bao dự định, nhưng với nhiều người đó là thời điểm cực kỳ khó khăn, là “ác mộng”, có khi còn dẫn đến tình trạng mãn tính, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.

Ngày đầu tuần cứ tưởng là khởi đầu một “trang mới” với biết bao dự định, nhưng với nhiều người đó là thời điểm cực kỳ khó khăn, là “ác mộng”, có khi còn dẫn đến tình trạng mãn tính, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.

Hội chứng sáng thứ hai ngày càng dễ gặp

Hội chứng mệt mỏi sau ngày nghỉ cuối tuần còn được gọi bằng cái tên “Blue Monday” - ngày thứ hai mệt mỏi. Có đến 80% số người mắc Hội chứng sáng thứ hai (HCSTH) cảm thấy mệt mỏi và không còn hứng thú với công việc. Hình ảnh thường gặp ở những người này là xuất hiện vào buổi sáng đầu tuần với bộ mặt thiểu não, ủ rũ, chậm chạp, ít nói, có khi là tình trạng bứt rứt, cáu kỉnh, khó chịu với mọi người chung quanh. Có người còn kèm theo nhức đầu (từng cơn hay âm ỉ), ăn mất ngon, khó tiêu... Có một điều nghịch lý: khi càng cho người lao động nghỉ nhiều hơn thì HCSTH tỉ lệ càng cao hơn.

Ảnh minh họa

Vào ngày thứ hai, số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam giới dưới 50 tuổi cao hơn 19% so với những ngày khác trong tuần. Tạp chí British Medical Journal (Anh) đã công bố một công trình nghiên cứu gây xôn xao dư luận: trong vòng 10 năm (1986 - 1995), số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở người nam dưới 50 tuổi vào ngày thứ hai nhiều hơn những ngày khác trong tuần đến 19,2%.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của hội chứng này không phải do những tổn thương thực thể, mà chính là do tình trạng rối loạn tâm lý và do đột ngột thay đổi thói quen của cơ thể mà cơ thể chưa kịp thích nghi.

Đầu tiên phải kể đến những nguyên nhân tâm lý: chúng ta thường có thói quen dành quá nhiều công việc cho tuần sau, “thôi để tuần sau làm luôn”. Chính điều này gây ảnh hưởng đầu tiên đến tiến độ công việc bị chậm lại; kế đến công việc thì ngày nào cũng phát sinh chứ đâu phải chỉ phát sinh đầu tuần. Các bác sĩ khám bệnh cũng cực kỳ căng thẳng vào buổi sáng thứ hai vì khối lượng bệnh tăng đột biến, có khi đến 50%. 

Kế đến do tình trạng thay đổi đột ngột những thói quen của cơ thể: thí dụ như chúng ta tranh thủ xem video thâu đêm hay chơi game từ sáng đến tối hay có thể đi chơi thật xa và trở về trong tình trạng mệt nhoài. “Ngủ nướng” kéo dài bất kể khi nào và đến tối chủ nhật thì không thể ngủ được. Các chương trình giải trí thường dành vào ngày cuối tuần và kéo dài đến tận khuya. Một số khác do hậu quả của việc không ăn uống đúng cách (ăn “bồi dưỡng” quá nhiều hoặc nhịn ăn). Hậu quả của những cách nghỉ ngơi “tiêu cực” này là nhịp điệu sống quen thuộc trước đó (thức dậy đúng giờ để đến sở làm, ăn uống có giờ giấc... ) bị phá vỡ hoàn toàn. Sau 2 ngày thoải mái, khi mọi chuyện phải trở lại “nề nếp” vào sáng thứ hai thì cơ thể không “kham” nổi, và sự mệt mỏi, chán nản xuất hiện. Cơ thể người cũng như một cỗ máy, sau một thời gian nghỉ ngơi thì cần khởi động lại từ từ. Nếu đột ngột lao vào hàng núi công việc ngay sau khi nghỉ ngơi, ta sẽ căng thẳng và điều đó dễ ảnh hưởng đến tim.

Phòng ngừa

Trước ngày thứ hai: cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ sáu. Như vậy, chúng ta có thể bắt đầu một tuần mới mà không phải lo lắng cho công việc của tuần qua và đến cơ quan với tâm trạng thoải mái hơn.  Hãy tập luyện thể thao vào dịp cuối tuần, đặc biệt là khi công việc trong tuần của bạn đòi hỏi nhiều thể lực. Tránh thức quá khuya vào tối chủ nhật, ngay cả chương trình truyền hình có hấp dẫn đến mấy thì cũng phải ngủ đúng giờ. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp chúng khỏe khoắn và minh mẫn khi thức dậy. Dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đi làm vào sáng thứ hai như ủi quần áo, chuẩn bị tài liệu... Như thế, chúng ta sẽ đến cơ quan đúng giờ và “mở hàng” tốt cho tuần lễ đó. Trong kỳ nghỉ không nên tổ chức ăn uống quá thịnh soạn vì việc ăn quá no sẽ khiến chúng ta mệt mỏi sau đó. Không nên ăn quá nhiều thịt (dưới 200g/ngày) vì thịt thường kèm theo chất béo và cholesterol. Nên xen kẽ thịt, cá, đậu phụ, trứng để cân đối nguồn đạm và chất béo động - thực vật. Không nên vì quá vui mà tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Vào chiều chủ nhật, nên điều chỉnh số lượng, chất lượng bữa ăn và nhịp điệu sinh hoạt trở về bình thường.

Trong ngày thứ hai: nên ăn sáng kỹ, để có đủ năng lượng làm việc. Tránh sắp xếp chương trình làm việc quá nặng vào thứ hai, đặc biệt là không đặt ra thời hạn chót cho một công việc nào đó vào ngày này. Nên dàn đều công việc trong tuần ra cho các ngày. Vào tối, nên sắp xếp để có càng ít công việc riêng càng tốt vì chúng ta hiểu rằng, cần phải có thời gian để cơ thể chúng ta “hòa nhập lại” sau giai đoạn “ngủ đông” cuối tuần.

 BS. DƯƠNG MINH HÙNG


Ý kiến của bạn