Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là hội chứng đại tràng kích thích. Bệnh tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nó làm ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Phần lớn trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích không điều trị khỏi hoàn toàn bởi chưa có một thuốc đơn độc nào có hiệu quả với bệnh này. Hiện nay chỉ điều trị theo triệu chứng nổi trội nhằm giúp bệnh nhân dễ chịu hơn mà thôi.
Dấu hiệu nhận biết
Các dấu hiệu của bệnh không giống nhau ở mỗi bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Mỗi triệu chứng có thể gặp riêng lẻ trong các triệu chứng rối loạn chức năng ruột khác. Có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, nặng bụng như có khối đá đè trong bụng. Triệu chứng này sẽ giảm khi bệnh nhân trung tiện, đại tiện được và đau tăng khi mắc táo bón; Trướng bụng là triệu chứng thường gặp nhất và tăng dần lên trong ngày. Các rối loạn nhu động ruột biểu hiện bằng số lần đi cầu, thay đổi mật độ và hình dạng của phân như tiêu chảy hoặc táo bón. Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy ít gặp hơn thể táo bón.
Đau bụng là một triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các dấu hiệu như nóng ở thượng vị, buồn nôn, thậm chí có thể gặp các trạng thái về tâm lý như suy sụp, lo lắng...
Thuốc nào giúp bệnh nhân dễ chịu?
Trước hết, khi bị hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân cần cải thiện chế độ sinh hoạt như: tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ trong ngày, thay đổi chế độ ăn uống hợp lý. Nếu các biện pháp trên không cải thiện thì phải điều trị bằng thuốc. Tùy vào triệu chứng nổi trội của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Với bệnh nhân bị tiêu chảy thì dùng thuốc chống tiêu chảy loperamid. Đây là một opioid, không qua hàng rào máu não, làm giảm nhu động ruột hoặc diphenoxylate, viên thuốc có chứa diphenoxylate và atropine, điều trị tăng vận động ruột. Thuốc có thể giúp kiểm soát triệu chứng tiêu chảy. Bệnh nhân bị táo bón có thể dùng thuốc forlax hoặc cisapride.
Để giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Ảnh: T. M
Ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, nếu đau là triệu chứng nổi trội thì có thể dùng các thuốc chống co thắt, kháng cholin, các thuốc chống trầm cảm, an thần, các thuốc ức chế kênh canxi, các thuốc điều chỉnh ngưỡng đau. Nếu đau sau ăn có thể uống các thuốc dicyclomine, dicycloverine; chống co thắt uống spasmaverine; thuốc kháng cholinergic; pinaverium, thuốc đối kháng Ca ở dạ dày - ruột trimebutine, nospa.
Một số bệnh nhân cần dùng thuốc có ảnh hưởng đến một số hoạt động của hệ thần kinh thực vật để làm giảm co thắt ruột gây đau đớn. Thuốc kháng acetylcholin có thể là hữu ích cho những người có những cơn tiêu chảy, nhưng có thể làm trầm trọng thêm táo bón.
Khi bệnh nhân gặp các triệu chứng bao gồm đau hoặc trầm cảm, bác sĩ có thể cho dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc tái hấp thu serotonin chọn lọc chất ức chế (SSRI). Những thuốc này giúp giảm trầm cảm cũng như ức chế hoạt động của tế bào thần kinh điều khiển ruột. Nếu bị tiêu chảy và đau bụng mà không trầm cảm, bác sĩ có thể cho liều thấp hơn so với bình thường thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như imipramine và amitriptylin. Tác dụng phụ của các thuốc này bao gồm buồn ngủ và táo bón. Nếu bệnh nhân bị đau và táo bón khiến mệt mỏi và chán nản, có thể dùng thuốc fluoxetine hoặc paroxetin.
Để giảm các triệu chứng, bệnh nhân cần thực hiện chế độ vệ sinh ăn uống. Cần tránh thức ăn làm bệnh tăng như: cà phê, bia, chất xơ, các chế phẩm từ sữa, ăn uống thái quá, nhiều chất béo, tránh sinh hoạt làm việc căng thẳng.
TS. Hải Linh