Hà Nội

Hội chứng ruột kích thích: Lành tính nhưng khó trị, vì sao?

21-08-2018 09:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn chức năng của ruột bởi không gây viêm loét tại ruột, không kèm theo rối loạn về cấu trúc và sinh hóa.

Hội chứng này được gọi dưới nhiều tên khác nhau: hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng co thắt vì bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt khi nặng, lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính. Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Không nguy hiểm nhưng khó chữa

Người bị IBS thường có các triệu chứng: bụng đau quặn, đại tiện nhiều lần trong ngày, đầy bụng, trướng hơi, ăn uống khó tiêu, phân lúc lỏng, táo, nát, sống, đặc biệt là những cơn đau làm người bệnh mất ăn mất ngủ khiến tâm lý bất an, lo lắng sợ bị bệnh hiểm nghèo hoặc biến chứng thành ung thư. Bệnh không phải do ăn uống nhiễm khuẩn mà do căng thẳng, áp lực công việc gây kích thích dây thần kinh, càng lo lắng càng dễ bị kích thích. Có bệnh nhân ngày đại tiện trên chục lần, mất điện giải, xanh xao, có nguy cơ viêm nhiễm toàn thân. Biểu hiện bên ngoài của người mắc IBS là sút cân, mệt mỏi, hay lo lắng bồn chồn.

Đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện. Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy thì không bị hoặc nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh đại tiện có thể có nhầy mũi nhưng không có máu, phân có khi tủn mủn giống phân dê.

Các biểu hiện ở ngoài cơ quan tiêu hoá: nhức đầu, dị cảm, mất ngủ, rối loạn vị giác, trầm cảm mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, đau khi giao hợp, đái nhiều lần trong ngày, đái đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng bừng mặt, chóng mặt. Có nhiều người còn lo sợ bị ung thư hay bị bệnh nguy hiểm nào khác.

Với những người bị hội chứng này, cần được tư vấn làm các xét nghiệm đại tràng, không nên quá lo lắng vì đây không phải bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng như ung thư…

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm loại trừ, khi không phát hiện một bệnh lý thực thể nào mới có thể khẳng định người có những triệu chứng nêu trên bị IBS. Cách điều trị IBS thông thường là dùng men tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn để hỗ trợ, tạo sự cân bằng vi khuẩn trong đường tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần ngưng sử dụng rượu, bia, thuốc lá; giảm ăn thức ăn có vị chua, cay. Một điều quan trọng là bệnh nhân cần có thái độ sống tích cực, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, công việc để giảm áp lực, lo lắng.

3 triệu chứng bệnh lý thường gặp của hội chứng ruột kích thích: đau bụng, đầy hơi và đi ngoài kết hợp với táo bón.

3 triệu chứng bệnh lý thường gặp của hội chứng ruột kích thích: đau bụng, đầy hơi và đi ngoài kết hợp với táo bón.

Nguyên nhân gây ra IBS

Vẫn chưa biết chính xác được các nguyên nhân gây nên IBS. Tuy nhiên, thường gặp 1 số nguyên nhân như:

Thực phẩm: Nhiều người thấy rằng các dấu hiệu và triệu chứng của họ xuất hiện hoặc xấu đi khi họ ăn các loại thực phẩm nhất định. Ví dụ, sữa, sô-cô-la và rượu có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Đồ uống có ga và một số loại trái cây và rau quả có thể dẫn đến đầy hơi và khó chịu ở một số người IBS.

Căng thẳng, stress cũng được cho là nguyên nhân, hầu hết những người bị IBS có thể thấy các dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn hoặc thường xuyên hơn khi bị căng thẳng. Tỷ lệ phụ nữ mắc IBS nhiều hơn so với nam giới. Nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi nội tiết đóng một vai trò trong tình trạng này. Nhiều phụ nữ thấy các dấu hiệu và triệu chứng tồi tệ hơn trong hoặc xung quanh thời kỳ kinh nguyệt.

Đôi khi một căn bệnh, chẳng hạn như là một cơn bệnh cấp tính của bệnh tiêu chảy nhiễm trùng (viêm dạ dày ruột) có thể gây ra IBS.

Do triệu chứng của người bệnh rất khác nhau, thậm chí diễn biến bệnh trên một người cũng không cố định mà thay đổi theo thời gian. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định dựa vào phương pháp loại trừ các bệnh có tổn thương thực sự. Mặc dù người bệnh phàn nàn vì có nhiều triệu chứng gây khó chịu như trên, nhưng khi thăm khám, thầy thuốc không phát hiện thấy gì đặc biệt, người bệnh không có sút cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp Xquang đại tràng có thể có tăng hoặc giảm co bóp hoặc rối loạn co bóp nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mặc dù là bệnh lành tính không gây tử vong nhưng hầu như không có khả năng điều  trị khỏi hẳn. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Có thể sử dụng thuốc khi các triệu chứng nặng gây khó chịu nhiều. Đó là các thuốc chống tiêu chảy như thuốc điều trị tác động trên thần kinh trung ương, thuốc chống táo bón như thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng tạo khối, thuốc nhuận tràng tăng co thắt. Lưu ý các thuốc nhuận tràng có thể làm nặng thêm triệu chứng đau và trướng bụng.

Bệnh nhân có thể nhận biết các loại thức ăn nào thường “không dung nạp” hay gây tiêu chảy và đau bụng (ví dụ như thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi...) và tự họ đã hạn chế bớt các loại thức ăn đó. Có những người chỉ xảy ra tiêu chảy sau ăn vào một giờ nhất định, do vậy, họ nên tránh ăn vào giờ đó. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng. Đối với trường hợp táo bón thường xuyên, bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi, tránh các thức ăn khô, nhiều gia vị. Nên hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh bớt các căng thẳng về thần kinh...


BS. Nguyễn Trường
Ý kiến của bạn