Hội chứng ruột kích thích gây bệnh cho khoảng 10 -30% dân số. Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam giới (tỷ lệ ~ 2:1), độ tuổi hay gặp từ 40-60. Hội chứng ruột kích thích không gây tử vong nhưng kéo dài, gây tâm lý lo lắng, mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Hội chứng ruột kích thích là một loại bệnh lý đặc trưng bởi các rối loạn chức năng của ống tiêu hóa với biểu hiện chủ yếu ở đại tràng, tái phát nhiều lần mà không tìm được các thương tổn về giải phẫu, cấu trúc, sinh hóa ở ruột. Hội chứng này còn có nhiều tên gọi khác như bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt; do bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt lúc nặng lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính. Nhưng hầu hết những tên gọi này đều không đúng, vì nó không dẫn đến viêm và không nên lẫn lộn với những rối loạn khác, như viêm loét đại tràng.
Nhận biết “kẻ quấy nhiễu”
Do bệnh biểu hiện rối loạn trên toàn bộ ống tiêu hóa nhưng triệu chứng của bệnh thể hiện ở dạ dày và chủ yếu là ở đại tràng. Vì vậy, đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, trong đó thường thấy đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng. Mặc dù vậy, triệu chứng quan trọng của hội chứng ruột kích thích là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, ấm ách khó chịu, đầy hơi tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn.
Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, khó chịu hay xảy ra vào buổi sáng, nhất là sau khi ăn sáng, người bệnh có cảm giác muốn đi đại tiện. Một đặc điểm nổi bật là sau khi đi đại tiện xong, cảm giác khó chịu, đau quặn bụng sẽ hết ngay. Do vậy, nhiều người rất ngại ăn sáng, nhất là mỗi lúc đi xa.
Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, một số bệnh nhân cũng hay bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt, có thể lẫn với chất nhầy, phân không bao giờ có máu. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại buồn đi tiếp. Tuy vậy, có một số trường hợp lại bị táo bón thường xuyên, phân rắn, phải rặn mới đi đại tiện được, thậm chí phải thụt tháo. Trong khi đó, có một số trường hợp thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón.
Ngoài triệu chứng về tiêu hóa, một số bệnh nhân cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở. Kèm theo đau quặn bụng là trướng bụng. Trướng bụng là triệu chứng thường gặp. Đặc điểm của trướng bụng tronghội chứng ruột kích thích là sau ngủ dậy thì không thấy hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như buồn nôn, cảm giác vướng ở họng.
Người bệnh không sụt cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp Xquang đại tràng có thể có hình ảnh tăng hoặc giảm co bóp hay rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Có nhiều ý kiến cho rằng hội chứng này là rối loạn chức năng bởi vì không có dấu hiệu bệnh nào được tìm thấy khi khám đại tràng. Người bệnh khó chịu, mất tự tin, nhưng bệnh không gây hại đến đường ruột, không gây chảy máu hay một bệnh trầm trọng nào ở ruột. Có một số yếu tố được cho là có liên quan đến sự khởi phát của hội chứng này: Sau nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, khả năng bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích tăng lên tới 6 lần. Các yếu tố gây stress và tâm lý bệnh nhân cũng góp phần đáng kể trong cơ chế bệnh sinh. Thức ăn không thích hợp với bệnh nhân, thức ăn ít chất xơ cũng hay gây rối loạn chức năng ống tiêu hóa. Các thương tổn đại tràng sau nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc thức ăn cũng có thể làm tăng tính nhạy cảm của đại tràng gây ra hội chứng ruột kích thích. Rối loạn điều hòa nhu động đại tràng của trục não - ruột cũng được cho là có thể gây bệnh. Các hormon sinh dục nữ tăng cao trong giai đoạn của bệnh, lý giải tại sao hội chứng ruột kích thích xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.
Cần làm gì để giảm khó chịu?
Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng để điều trị dứt không phải dễ. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Đầu tiên là điều chỉnh chế độ ăn. Phải tìm được một chế độ ăn thích hợp cho bệnh nhân. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy... nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Nên chia làm nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no. Không nên ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít...). Tránh các đồ uống nhiều đường và có gas, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có tiêu chảy tránh ăn quá nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...). Hạn chế sử dụng những thức ăn dễ kích thích như bia rượu, cà phê, thức ăn cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men.
Người bệnh cần có chế độ làm việc điều độ, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, tránh tình trạng căng thẳng... sẽ góp phần làm cho hội chứng ruột kích thích luôn được ổn định và cũng là cách phòng bênh hữu hiệu. Cần giảm hoặc loại bỏ stress, tăng cường các hoạt động thể chất, tạo một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, luyện tập thói quen đại tiện mỗi ngày một lần, tập khí công, yoga cùng với các phương pháp thư giãn... cũng góp phần đáng kể vào việc làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Trong đợt tiến triển của bệnh, một số thuốc cũng nên được dùng để điều trị triệu chứng của bệnh. Việc dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cần do bác sĩ khám và chỉ định cụ thể. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn dùng thuốc.
BS. Hạnh Nguyên