1. Ai có nguy cơ cao mắc Hội chứng Mallory Weiss?
Hội chứng Mallory Weiss có thể gặp ở nhiều đối tượng, nhưng các trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn:
- Bệnh nhân bị thoát vị khe thực quản.
- Trường hợp uống quá nhiều bia rượu (ở những đối tượng này, nguy cơ tái phát bệnh rất cao).
- Người dùng một số chất gây buồn nôn và nôn cực mạnh.
- Bệnh nhân bị viêm hoặc tắc nghẽn dạ dày, tắc ruột.
- Bệnh nhân viêm thực quản.
- Bệnh nhân viêm gan.
- Người mắc bệnh về đường mật.
- Người bị suy thận.
- Người bị rối loạn ăn uống.
- Trường hợp bị tăng áp lực nội sọ.
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu và dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến đông máu như aspirin, warfarin...
- Phụ nữ mang thai bị nghén nặng. Mặc dù ít khi bị xuất huyết, nhưng nếu bệnh nhân có mắc kèm theo tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay rối loạn đông máu thì có thể xảy ra xuất huyết nghiêm trọng.
2. Phương pháp điều trị Hội chứng Mallory Weiss
Trong những trường hợp chảy máu nghiêm trọng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Để có phác đồ điều trị cụ thể, cần được khám và chẩn đoán bệnh chính xác. Bác sĩ sẽ cần thực hiện một số phương pháp thăm khám:
- Tìm hiểu thông tin về triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
- Sử dụng biện pháp nội soi thực quản - dạ dày để đánh giá mức độ xuất huyết, vị trí rách niêm mạc và tổn thương đường tiêu hóa. Qua nội soi, sẽ giúp loại trừ trường hợp xuất huyết do một số nguyên nhân khác.
Về điều trị, phần lớn bệnh nhân mắc Hội chứng Mallory Weiss không bị giãn tĩnh mạch thực quản thì có thể tự cầm máu. Nếu bệnh nhân không thể tự cầm máu, bác sĩ có thể tiến hành kẹp clip để cầm chảy máu qua nội soi.
Nếu biện pháp này không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nội mạch. Thông thường rất ít trường hợp bệnh nhân cần điều trị bằng phương pháp ngoại khoa.
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho vết rách vùng niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc:
- Thuốc giúp giảm acid trong dạ dày như thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc ức chế H2.
- Thuốc chống nôn được dùng để kiểm soát cơn buồn nôn và nôn nhằm tránh tái phát bệnh.
Nếu bệnh nhân đang dùng các loại thuốc chống đông, làm tăng nguy cơ chảy máu... thì cần dừng ngay. Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, buộc phải dùng thuốc chống đông thì trong thời gian này phải dùng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Phẫu thuật: Rất ít khi phải dùng đến phương pháp phẫu thuật. Chỉ với các trường hợp chảy máu nghiêm trọng mới cần phẫu thuật vết rách để cầm máu hoặc sử dụng phương pháp đốt điện, YAG laser, liệu pháp xơ hóa để hạn chế tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
Ngoài sử dụng pháp phương pháp điều trị, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng hỗ trợ điều trị Hội chứng Mallory Weiss. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều thực phẩm có sắt hoặc uống viên sắt để bổ sung lại lượng máu đã mất cho cơ thể.
Nếu người bệnh mắc viêm dạ dày, cần tránh các loại đồ ăn có tính cay, chua và không nên ăn khi thức ăn còn quá nóng; không ăn quá no hoặc quá đói, không vận động mạnh sau ăn; tránh nằm ngay sau ăn gây trào ngược dạ dày thực quản. Nên ăn các thức ăn lỏng trong vào giai đoạn cấp tính, sau khi bệnh ổn định mới từ từ trở về chế độ ăn uống bình thường.
Để phòng ngừa và tái phát bệnh, cần:
- Điều trị các bệnh gây ra tình trạng buồn nôn và nôn kéo dài như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, xơ gan...
- Hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn để giảm nguy cơ bệnh và tránh tái phát nếu đã có tiền sử chảy máu do Hội chứng Mallory Weiss.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu của trào ngược dạ dày và những biện pháp cải thiện | SKĐS