Hội chứng loạn cảm họng và cách điều trị

01-11-2021 14:43 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Loạn cảm họng là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bệnh có các triệu chứng dễ chẩn đoán nhầm với viêm họng, hóc xương, trào ngược dạ dày - thực quản, hoặc như có khối u chẹn ngang họng… nên người bệnh thường lo lắng, đi khám nhiều nơi không cho kết luận chính xác dẫn tới điều trị không hiệu quả.

Để hiểu rõ thêm về nguyên nhân, triệu chứng, đối tượng dễ mắc hội chứng loạn cảm họng và biện pháp điều trị, mời bạn đọc tham khảo bài viết của TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương về vấn đề này.

Hội chứng loạn cảm họng: Ai dễ mắc, dấu hiệu và cách phân biệt với viêm họng - Ảnh 1.

TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy.

1. Hội chứng loạn cảm họng là gì?

Họng có chứa amidan và các tổ chức lympho thành sau họng làm nhiệm vụ sản sinh ra miễn dịch bảo vệ cho cơ thể. Ngoài ra, họng còn chứa hệ thống mạch và thần kinh phong phú.

Họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở, không khí và thức ăn đều phải qua họng để đi đến các cơ quan khác. Chính vì vậy, họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với virus và vi khuẩn cùng với mũi.

Trong loạn cảm họng, cảm giác vướng họng, đau rát họng, ngứa họng, kèm theo một số dấu hiệu khác như: đau mỏi cổ, đầy bụng, tức ngực... đôi khi không rõ ràng khiến người bệnh nhầm tưởng bị viêm họng hoặc cũng dễ bị chẩn đoán nhầm dẫn đến điều trị không hiệu quả, gây thêm lo lắng.

2. Nguyên nhân gây loạn cảm họng

Có nhiều nguyên nhân gây loạn cảm họng nhưng hay gặp nhất là ở những giai đoạn rối loạn nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh, những thay đổi tâm lý hay bị stress. Loạn cảm họng còn do các nguyên nhân sau:

  • Các triệu chứng rối loạn chức năng dạ dày, đặc biệt là trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài.
  • Các bất thường cấu trúc giải phẫu như mỏm trâm dài, các bệnh về đốt sống cổ như thoát vị chép ép vùng đĩa đệm, đau mỏi vai gáy…
  • Những bất thường về tâm lý, trầm cảm, thiểu năng tuyến giáp…
  • Các bệnh lý làm khô tuyến nước bọt, bệnh đái tháo đường.
  • Tình trạng bệnh lý ở những bệnh nhân sau xạ vùng cổ.
  • Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm.
Hội chứng loạn cảm họng: Ai dễ mắc, dấu hiệu và cách phân biệt với viêm họng - Ảnh 2.

Người bị loạn cảm họng thường có cảm giác vướng họng, đau rát họng...

3. Ai có nguy cơ mắc hội chứng loạn cảm họng?

Nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc hội chứng loạn cảm họng là:

3.1 Phụ nữ tiền mãn kinh 40 - 50 tuổi:

Do rối loạn nội tiết tố nữ ở những phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh kèm theo tiền sử đau dạ dày là đối tượng hay gặp nhất trong bệnh loạn cảm họng.

Các triệu chứng thường xảy ra là hay bực bội, cáu gắt, cảm giác lạ như nóng mặt phừng phừng hoặc đột ngột rét run, ớn lạnh xương sống, hay mất ngủ. Kinh nguyệt bị rối loạn, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ngắn đi hoặc kéo dài, hay quên hoặc cảm giác mất trí nhớ tạm thời, huyết áp cao hoặc thấp không ổn định.

Bệnh nhân hay cảm thấy nuốt vướng, cảm giác đau họng, lúc có lúc không, đôi khi đau rát, nuốt nước bọt rất đau, đi kèm đó là những cơn chóng mặt hoặc bừng bừng mặt.

3.2 Nam giới hay hút thuốc và uống rượu:

Thuốc lá và rượu là những chất kích thích làm ảnh hưởng tới niêm mạc họng gây nên những rối loạn cảm giác gây loạn cảm họng. Đây cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư họng hạ họng thanh quản. Do đó, loạn cảm họng có thể là triệu chứng tiền ung thư trong giai đoạn sớm.

3.3 Người hay bị stress:

Người hay bị stress hoặc hay thức khuya, làm việc căng thẳng. Những thay đổi tâm lý quá mạnh hoặc những căng thẳng công việc làm tăng co thắt các cơ vùng hầu họng trong thời gian ngắn gây cứng họng. Các cơ xiết họng co cứng lại gây khó nuốt hoặc không nuốt được. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến bệnh lý loạn cảm họng.

3.4 Người bị viêm họng, viêm mũi xoang mạn tính:

Những người bị viêm họng mạn tính, viêm mũi xoang mạn tính cũng là những đối tượng có nguy cơ bị loạn cảm họng.

3.5 Người bị viêm trào ngược dạ dày - thực quản:

Loạn cảm họng hiện nay được coi như thể nhẹ của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Do lượng acid nhiều bất thường của dịch vị hoặc số lượng dịch vị nhiều bất thường, lỗ tâm vị luôn mở làm dịch vị trào qua thực quản lên họng. Quá trình này bỏng niêm mạc họng gây ra bởi acid trong dịch dạ dày làm niêm mạc họng bị tổn thương, lâu dần dẫn đến bệnh lý loạn cảm họng.

Hội chứng loạn cảm họng: Ai dễ mắc, dấu hiệu và cách phân biệt với viêm họng - Ảnh 3.

Trào ngược dạ dày - thực quản dễ dẫn đến loạn cảm họng.

4. Triệu chứng loạn cảm họng

Bệnh nhân bị loạn cảm họng thường có những biểu hiện sau:

  • Cảm giác nuốt vướng, đau rát họng. Cơn đau có khi lan lên trước cổ, góc hàm, hai bên cổ. Các cảm giác này không liên tục, khi có khi không. Người bệnh ăn uống bình thường.
  • Ngứa khó chịu ở vùng họng. Cảm giác ngứa khó chịu như kiến cắn hoặc như có con gì bò trong cổ họng.
  • Yếu mỏi các cơ vùng cổ, tê bì dọc theo vùng vai gáy.
  • Có thể thay đổi giọng nói hoặc khó nói. Cảm giác sờ thấy các khối bất thường vùng cổ.

  • Ăn uống không ngon miệng. Luôn có cảm giác đầy hơi, buồn nôn. Đau tức vùng ngực lan theo đến các cơ liên sườn.

5. Chẩn đoán loạn cảm họng

Chẩn đoán loạn cảm họng cần thăm khám và hỏi bệnh chi tiết, không chỉ vùng tai mũi họng mà còn đánh giá các bệnh lý toàn thân.

- Hỏi tiền sử bệnh cũng là phương pháp giúp bác sĩ nghĩ đến các nguyên nhân ngoài các bệnh lý vùng họng.

- Trong loạn cảm họng, vùng họng khám qua nội soi được đánh giá là niêm mạc họng, cấu trúc amidan bình thường, không có tổn thương thực thể.

- Khám nội soi vùng tai mũi họng cần đánh giá tỉ mỉ những tổn thương trong họng để loại trừ các bệnh khác có liên quan như: xem kỹ amidan xem có dị vật xương cá nhỏ, các hốc mủ amidan cũng gây nuốt vướng. Viêm họng hạt cũng như sự phát triển quá phát của các tổ chức lympho tân sinh vùng đáy lưỡi cũng gây nuốt vướng.

- Thăm khám nội soi mũi các khe cuốn, lỗ đổ của các xoang ở bệnh nhân loạn cảm họng cho thấy bình thường. Nếu người bệnh có bệnh lý mũi xoang như mủ ở các khe cuốn mũi, hoặc tại lỗ đổ của các xoang có dịch nhầy, mủ thì cảm giác nuốt vướng, hay khạc nhổ của người bệnh là do dịch từ các xoang chảy xuống, đặc biệt là các bệnh lý của các xoang sau.

- Vùng hạ họng và sụn phễu niêm mạc bình thường, dây thanh di động bình thường. Các biểu hiện bệnh lý ở vùng này như viêm nhiễm, khối u làm bệnh nhân cũng có cảm giác nuốt vướng.

Nội soi dạ dày thực quản nhằm đánh giá mức độ trào ngược, vi khuẩn HP, mức độ viêm nhiễm của dạ dày thực quản.

- Chụp cắt lớp vi tính vùng hầu họng đánh giá các bất thường giải phẫu như dài mỏm trâm, các khối u vùng tai mũi họng.

Hội chứng loạn cảm họng: Ai dễ mắc, dấu hiệu và cách phân biệt với viêm họng - Ảnh 6.

Khám nội soi chẩn đoán bệnh lý vùng họng.

6. Điều trị loạn cảm họng tùy theo nguyên nhân gây ra:

- Do bệnh lý dạ dày - thực quản:

  • Nếu nguyên nhân do trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài hoặc những rối loạn chức năng dạ dày thì cần điều trị tích cực bệnh về trào ngược và bệnh về rối loạn chức năng dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày.
  • Các thuốc chống trào ngược được sử dụng kèm theo những thuốc chống viêm dạ dày, thuốc kháng acid dạ dày, ức chế bơm proton, thuốc làm nhanh rỗng dạ dày.
  • Thay đổi tư thế nằm, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống.
  • Điều trị vi khuẩn HP nếu xét nghiệm HP dương tính.

- Nếu nguyên nhân do rối loạn nội tiết trong giai đoạn tiền mãn kinh thì cần bổ sung các thuốc tiết tố nữ, bổ sung vitamin, canxi, vi chất đầy đủ.

- Nếu nguyên nhân do viêm họng, viêm amidan mạn tính với quá trình viêm amidan tái diễn nhiều lần trong năm hoặc viêm amidan gây biến chứng thì có chỉ định cắt amidan.

- Nếu nguyên nhân do mỏm trâm dài thì cần tiến hành phẫu thuật cắt mỏm trâm.

- Nếu nguyên nhân do trầm cảm, lo âu, gặp stress thì cần điều trị các thuốc chống trầm cảm.

- Liệu pháp điều trị tâm lý cũng được cân nhắc áp dụng trong những trường hợp có sự sang chấn tâm lý quá mức.

- Kiểm tra và điều trị các bệnh lý liên quan tới tuyến giáp.

- Áp dụng liệu pháp vận động các đốt sống cổ, các liệu pháp làm giảm căng cơ vùng cổ.

Điều trị loạn cảm họng: Bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám cụ thể và có thể làm một số xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.

Hội chứng loạn cảm họng: Ai dễ mắc, dấu hiệu và cách phân biệt với viêm họng - Ảnh 7.

Hạn chế uống rượu, bia để phòng hội chứng loạn cảm họng.

7. Phân biệt viêm họng và loạn cảm họng

Viêm họng cấp thường có biểu hiện: sốt, mệt mỏi, đau rát họng, đau lan lên tai khi nuốt, chán ăn…

Khi bị viêm họng, người bệnh có thể tự khỏi nếu cơ thể đủ khỏe. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm họng có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm trong viêm họng là liên cầu khuẩn tan huyết, chúng có thể gây biến chứng viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp nếu không được điều trị đúng.

Khác với viêm họng, loạn cảm họng thường có các biểu hiện đa dạng. Triệu chứng của loạn cảm họng là: người bệnh có cảm giác nuốt vướng, đôi khi đau rát họng, đau lan lên góc hàm, đau sang 2 bên lan sang vùng cổ gáy.

Tuy nhiên, các triệu chứng này không phải lúc nào cũng có, biểu hiện khi nuốt nước bọt, còn khi nuốt các vật cứng lại dễ dàng hoặc ít có biểu hiện đau, uống nước có khi thấy bình thường. Đôi khi, bệnh nhân lại có cảm giác nuốt rất đau như có dị vật xương cá găm vào.

Cùng với đó, bệnh nhân thỉnh thoảng có cảm giác bị trào ngược, đau lan sang vùng vai gáy xuống cánh tay, ăn uống kém ngon, gầy sút, hay ợ hơi hoặc trầm cảm.

Phòng bệnh loạn cảm họng

  • Có lối sống lành mạnh. Không làm việc quá căng thẳng. Không thức quá khuya. Có giải pháp hạn chế áp lực, stress trong cuộc sống.
  • Hạn chế uống rượu, bia và các chất kích thích. Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá.
  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ chất. Tránh các đồ ăn có nhiều gia vị cay, nóng, đồ uống có gas. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.
  • Uống đủ nước, trung bình khoảng 2 lít/ngày đối với người trưởng thành.
  • Điều trị các bệnh lý toàn thân gây ra loạn cảm họng.
  • Khi có triệu chứng mắc các bệnh liên quan đến vùng họng như: viêm họng, viêm amidan mạn tính, viêm mũi xoang mạn tính… bệnh nhân cần đi khám và điều trị dứt điểm.
Các dạng viêm thanh quản thường gặp và cách xử tríCác dạng viêm thanh quản thường gặp và cách xử trí

SKĐS - Viêm thanh quản là bệnh phổ biến ở nhiều đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà

TS.BS. Phạm Thị Bích Thủy
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Ý kiến của bạn