Người phụ nữ bỗng dưng có có bắp như VĐV hình thể
Tờ Daily Mail của Anh số ra trung tuần tháng 7 đưa tin, chị Vicky Harper, 30 tuổi mẹ của hai bé trai ở Northampton, bỗng dưng trở thành đàn ông, thậm chí không khác gì vận động viên hình thể, cơ bắp nổi cuộn. Những đặc điểm nữ tính mất dần mặc dù chị không hề tập môn thể thao này. Qua khám bệnh và làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị mắc phải chứng bệnh có tên Hội chứng Lipodystrophy. Căn bệnh làm mỡ tích trong cơ bắp nhiều hơn là ở những nơi khác, làm cho cơ thể cường tráng không khác gì vận động viên nam thể hình hay vận động viên nam cử tạ.
Chị Harper cho biết, ban đầu mới chỉ xuất hiện các dấu hiệu nhẹ, cứ nghĩ bình thường nên không đi khám, nhưng ngày càng trầm trọng buộc phải độn ngực và mang mông giả, nhưng nguy hiểm hơn là dấu hiệu nữ tính trên cơ thể dần dần biến mất. Do “trở thành đàn ông” nên vợ chồng phải ly dị, để lại cho chị 2 đứa con còn nhỏ, một 5 tuổi và đứa sau 3 tuổi. Sâu thẳm chị Vicky Harper lo ngại sợ con cái sau này sẽ cũng mắc giống mẹ.
Chị Harpersau khi mắc Hội chứng Lipodystrophy
Sau khi phát hiện bệnh, chị Vicky Harper mới thổ lộ, trong gia đình chị có nhiều người mắc phải căn bệnh trên. Như cha chị và hai người cô nhưng ở mức độ khác nhau. Riêng người cha nặng hơn, và khi bước vào tuổi 50 ông đã bị đau tim do mỡ tích tụ xung quanh cơ tim, gây tăng huyết áp và cholesterol. Chị Harper cũng thừa nhận, không phải đến khi lập gia đình, sinh con mới phát hiện thấy những hiện tượng bất thường mà ngay từ khi dậy thì mới 16 tuổi, chị Harper đã thấy cơ thể có những hiện tượng không bình thường. Trong khi các bạn gái cũng tuổi, mông ngực phát triển thì ngược lại, cơ thể chị Harper lại phát triển theo chiều của đàn ông, không khác gì các bạn trai nên phải dùng đến các phương pháp làm đẹp nhân tạo.
Hội chứng Lipodystrophy là gì?
Theo giáo sư y học chuyển hóa Fredrik Karpe ở Trung tâm Y học bệnh Đái tháo đường, Nội tiết và Chuyển hóa trực thuộc Đại học Oxford, Anh, hội chứng Lipodystrophy là tình trạng rối loạn chuyển hóa liên quan đến chất béo hay còn gọi là bệnh loạn dưỡng mỡ. Có nghĩa, việc phân bố chất béo không theo cách thức truyền thống, mỡ tích dưới cơ, đặc biệt cả ở những nơi nguy hiểm như trong cơ tim, làm cho huyết áp, mỡ máu (cholesterol) tăng vọt, làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh nan y như đái tháo đường, gan thận và tim mạch, thậm chí có người phát bệnh rất sớm và trầm trọng. Chưa hết, căn bệnh này còn làm thay đổi diện mạo thể chất, biến trẻ thành già, em bé thành bà lão... Gây tác động đến tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người trong cuộc.
Bà Tracey Gibson (45 tuổi) người Anh và con gái Zara Hartshorn (18 tuổi) đều mắc Hội chứng Lipodystrophy
Bệnh loạn dưỡng mỡ cũng có thể hiểu là thoái hóa mô mỡ, thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Trong đó Lipo nghĩa là mỡ còn dystrophy nghĩa là thoái hóa bất thường hay loạn dưỡng. Nếu hiểu đơn giản thì đây là hiện tượng teo mỡ, sự tổn thất chất béo ở những nơi thông thường, như mặt hay bụng và đưa vào tích tụ dưới cơ bắp. Căn bệnh này còn có đặc trưng là thiếu leptin tuần hoàn dẫn đến xơ cứng xương. Lipodystrophy được chia thành nhiều nhóm như loạn dưỡng mỡ bẩm sinh, loạn dưỡng mỡ tổng quát, loạn dưỡng mỡ từng phần di truyền, loạn dưỡng mỡ có được, loạn dưỡng mỡ bụng ly tâm, loạn dưỡng mỡ cục bộ và loạn dưỡng mỡ kèm HIV.
Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa biết rõ, người ta mới chỉ nghĩ đến một số yếu tố như di truyền, mắc bệnh nhiễm HIV, kháng insulin ở nhóm người mắc bệnh đái tháo đường... Loạn dưỡng mỡ đôi khi còn là tác dụng phụ do dùng thuốc kháng virút, có những biểu hiện khác như tái phân bố lipit, hoặc thừa hoặc thiếu ở những vùng khác nhau của cơ thể, thừa ở những chỗ không cần thiết trong khi đó lại thiếu ở những chỗ rất cần như trường hợp của chị Vicky Harper đề cập ở trên. Riêng hiện tượng teo mỡ thường thấy ở nhóm người có HIV được điều trị bằng thuốc ức chế PI và NRTI như zidovudine (AZT) và stavudine (d4T). Ở nhóm có yếu tố di truyền, bệnh loạn dưỡng mỡ được gây nên bởi rối loạn chuyển hóa, đặc trưng dễ nhận biết là kháng insulin và xuất hiện hội chứng chuyển hóa. Đây là căn bệnh bí ẩn, y khoa chưa tìm được thuốc đặc trị, hiện tại mới chỉ có các giải pháp hỗ trợ và nâng cao nhận thức của cộng đồng, áp dụng lối sống tích cực, không hút thuốc lá. Riêng nhóm người mắc bệnh về chuyển hóa được bác sĩ kê đơn dùng một số loại thuốc để cải thiện chức năng chuyển hóa của cơ thể để giảm bệnh.