Hội chứng kênh Guyon hay còn gọi là hội chứng đường hầm xương trụ ít gặp hơn hội chứng đường hầm cổ tay, do đó ít được quan tâm hơn. Tuy nhiên, khi dây thần kinh trụ bị chèn ép tại kênh Guyon sẽ gây các biểu hiện tê tay và teo cơ trên lâm sàng tùy theo vị trí bị chèn ép. Do đó, nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chức năng của bàn tay.
Hội chứng đường hầm xương trụ là gì?
Hội chứng kênh Guyon (Guyon’s cannal syndrome) được biết đến như một bệnh chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay. Ở ngay phía trên cổ tay, dây thần kinh trụ đi giữa gân cơ gấp cổ tay trụ và gân cơ gấp chung nông các ngón. Dây trụ khi đó nằm nông, ngay dưới da. Sau đó dây trụ đi vào cổ tay, nằm trong kênh Guyon. Hay nói cách khác, kênh Guyon là một kênh chạy dọc mép dưới của bàn tay về phía ngón út của bàn tay. Tại đây, dây thần kinh dây trụ đi vào kênh Guyon cùng với động mạch trụ. Ở giữa kênh dây thần kinh trụ tách ra thành hai nhánh:
Nhánh nông - sau khi tách nhánh chi phối cho cơ gan tay ngắn (palmaris brevis) sẽ chi phối cảm giác ngón IV, V.
Nhánh sâu (vận động) tách ra một nhánh chi phối cho cơ ở ô mô út rồi đi vòng ra phía ngoài chi phối cho các cơ giun, cơ liên cốt mu tay, gan tay và nhánh tận cùng chi phối cho cơ liên cốt mu tay I. Khi dây thần kinh trụ bị chèn ép tại kênh Guyon sẽ gây các biểu hiện tê tay và teo cơ trên lâm sàng tùy theo vị trí bị chèn ép.
Hình ảnh tổn thương bàn tay do hội chứng kênh Guyon.
Chấn thương có thể gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng người ta chia ra hai nhóm nguyên nhân gây hội chứng kênh Guyon có thể kể đến như:
Các nguyên nhân do chấn thương gồm: các chấn thương vùng cổ tay (tai nạn, chấn thương thể thao...), chấn thương do đặc thù công việc phải vận động cổ tay và gan bàn tay bị đè ép thường xuyên... Một số trường hợp do gãy móc của xương móc (hook of hamate), khi người chơi golf hoặc tennis đánh mạnh xuống đất thay vì đánh trúng bóng, hay người chơi bóng chày khi đánh bóng bằng gậy.
Các nguyên nhân không do chấn thương gồm: các bệnh lý viêm xương khớp ở cổ tay; do khối choán chỗ chèn ép: cơ dị dạng, khối u, các nang hạch (ganglion cyst). Nguyên nhân không chấn thương hay gặp nhất là do bệnh lý mạch máu gây cục máu đông trong động mạch trụ...
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng kênh Guyon xuất hiện tùy thuộc vào vị trí chèn ép của dây thần kinh trụ trong kênh, có 3 vùng tổn thương tương ứng với các biểu hiện lâm sàng: Kiểu 1: là kiểu thường gặp của hội chứng kênh Guyon gây chèn ép thân dây trụ, bệnh nhân bị giảm cảm giác ở ngón 5 và nửa ngón 4, yếu và teo các cơ ô mô út và liên cốt. Không giảm cảm giác mu tay vì nhánh da trụ mu tay tách khỏi dây trụ ở phía trên của kênh Guyon. Nếu tổn thương nặng, có triệu chứng bàn tay vuốt trụ; Kiểu 2: nhánh sâu của dây trụ bị chèn ép ở gần cuối kênh Guyon, sát với móc của xương móc. Cảm giác bình thường, cử động bàn tay giảm độ khéo léo và không thể dạng các ngón tay. Có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ nếu bệnh nặng. Kiểu 2 là kiểu thường gặp nhất của hội chứng kênh Guyon; Kiểu 3: là kiểu ít gặp nhất. Chỉ tổn thương nhánh nông của dây trụ, vị trí ở chỗ gần hết kênh Guyon. Giảm cảm giác các ngón 4 và 5. Các cơ nhỏ bàn tay không bị.
Bệnh dễ nhầm lẫn, khó chẩn đoán
Chẩn đoán hội chứng kênh Guyon chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh. Tuy nhiên cũng rất dễ nhầm lẫn do teo cơ bàn tay kèm theo tê bì là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều hội chứng bệnh và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: phân biệt kiểu I với hội chứng đường hầm khuỷu tay vì các biểu hiện lâm sàng có thể rất giống nhau. Trong tổn thương dây trụ ở khuỷu tay, tốc độ dẫn truyền của dây ở khuỷu sẽ chậm lại. Nếu bệnh nhân có dẫn truyền cảm giác và vận động đoạn qua khuỷu bình thường, trong khi bất thường đáp ứng cảm giác ở ngón 5, thì cần nghĩ tới hội chứng kênh Guyon.
Hiện nay, để xác định bệnh còn dựa vào chẩn đoán điện hay còn gọi là điện cơ rất có giá trị trong chẩn đoán hội chứng kênh Guyon, đồng thời giúp định khu tổn thương, đánh giá mức độ nặng của bệnh, tiên lượng và theo dõi sau điều trị. Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác cũng có thể cần thực hiện bao gồm: chụp Xquang xương cổ bàn tay, siêu âm, MRI...
Có cần phẫu thuật?
Tùy từng trường hợp và mức độ tổn thương mà các bác sĩ có những chỉ định phù hợp. Có thể điều trị bảo tồn: bất động cổ tay, cố định cổ tay ở tư thế chức năng vào ban đêm hoặc cả ngày; vật lý trị liệu; sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs); tiêm steroid tại chỗ. Các triệu chứng cải thiện dần sau 4-6 tuần điều trị.
Đối với trường hợp nặng, không có khả năng phục hồi, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Mục đích nhằm giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay, có hiệu quả trong khoảng 60-95% các trường hợp. Các biến chứng có thể gặp gồm: tăng cảm lòng bàn tay, tê bì dai dẳng, nhiễm trùng...