Hà Nội

Hội chứng đau vùng khuỷu tay

02-06-2017 08:34 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hội chứng đau vùng khuỷu tay (Tennis elbow) là tình trạng viêm hoặc rách nhóm gân cơ duỗi tại chỗ bám vào mỏm trên lồi cầu phía ngoài xương cánh tay.

Bệnh này rất hay gặp ở những người chơi tennis, cầu lông, golf, bowling; phụ nữ làm công việc nội trợ như giặt giũ, xách đồ nặng… Cơ chế thường là do các nhóm cơ này bị suy yếu, khi vận động quá mức, nơi bám của các cơ chịu lực căng, kéo gây ra các chấn thương, lâu ngày làm viêm tại chỗ gây đau.

Hội chứng đau vùng khuỷu tay

Triệu chứng của bệnh:

Đau vùng phía ngoài khuỷu, có thể sưng nhẹ, không nóng, đỏ. Ban đầu chỉ đau khi thực hiện một số động tác như gấp duỗi khuỷu, sấp, ngửa cẳng tay, hoặc xách vật nặng. Trường hợp nặng hơn, đau thường xuyên kể cả lúc không chơi thể thao, đau không thể cầm vật nặng, vắt quần áo hoặc khi lái xe. Khám ấn vào vị trí lồi cầu ngoài bệnh nhân rất đau.

Lúc đau bạn nên:

- Ngừng các hoạt động thể dục -  thể thao.

- Chườm lạnh tại chỗ 10 - 15 phút, có thể làm 4 - 5 lần/ ngày.

- Cố định vùng khuỷu tay bằng băng chuyên dụng (có bán ở các cửa hàng dụng cụ thể dục -  thể thao).

- Có thể dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ đường uống.

- Tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu khi đã bớt đau.

Hội chứng đau vùng khuỷu tayCố định vùng khuỷu tay bằng băng chuyên dụng

Bạn không nên:

Cố gắng chơi tiếp, có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn do rách gân nặng hơn, tăng nặng tình trạng viêm, chảy máu vi thể nhiều hơn.

Xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc xoa bóp, hoặc đi nắn sửa không đúng sẽ gây viêm mạn tính tại chỗ, rất khó điều trị sau này.

Điều trị chuyên khoa:

- Uống thuốc đặc trị theo toa của bác sĩ bao gồm giãn cơ, tan máu bầm, và kháng viêm.

- Chỉ định vật lý trị liệu siêu âm sóng ngắn, chạy điện hỗ trợ tại chỗ viêm.

- Hướng dẫn bạn các bài tập phục hồi và trở lại chơi thể thao tùy theo giai đoạn bệnh.

- Chích thuốc kháng viêm có chứa steroid tại chỗ viêm, hoặc phải phẫu thuật hay nội soi lấy mô viêm trong gân trong trường hợp nặng, hoặc tái phát nhiều lần mà các biện pháp trên không hiệu quả sau 3 tháng điều trị.

- Để chơi lại bạn cần có quá trình tập phục hồi độ dẻo, độ bền, và sức mạnh của nhóm cơ duỗi và ngửa cổ tay, bàn tay.

Để phòng tránh chấn thương loại này cần lưu ý:
- Khởi động thật kỹ trước khi hoạt động TDTT hay bưng xách nặng.
- Chơi với lượng thời gian từ từ tăng dần, từng bước hồi phục lại khả năng tập luyện, và không chơi quá sức.
- Đeo băng bảo vệ khuỷu tay khi có các hoạt động gắng sức.


Ths.Bs. Nguyễn Hồng Trung
Ý kiến của bạn