Hội chứng Catatonia: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

29-04-2025 18:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Catatonia đặc trưng bởi các cử động, hành vi bất thường và sự thu mình của người bệnh. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc Catatonia khoảng 5% - 20% trong bối cảnh tâm thần cấp tính nội trú.

Hội chứng Catatonia (hội chứng căng trương lực) là một dạng rối loạn có thể xảy ra ở các bệnh lí tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm…hoặc các tình trạng bệnh lý khác (như thiếu hụt folate não, các rối loạn tự miễn hiếm gặp và rối loạn cận ung thư). Hội chứng này ảnh hưởng đến khả năng vận động, phản ứng, giao tiếp và đi kèm nhiều triệu chứng tâm thần khác. Hội chứng Catatonia đặc trưng bởi các cử động, hành vi bất thường và sự thu mình của người bệnh. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc Catatonia khoảng 5% - 20% trong bối cảnh tâm thần cấp tính nội trú.

Catatonia được mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ tâm thần người Đức Karl Kahlbaum vào năm 1874. Đây là một rối loạn làm gián đoạn cách não bộ hoạt động, làm gián đoạn cách một người xử lý và phản ứng với thế giới xung quanh họ. Những người mắc chứng catatonia thường không phản ứng với những thứ xảy ra gần đó hoặc có thể phản ứng theo cách có vẻ bất thường. Giao tiếp kém, cử động bất thường hoặc thiếu cử động và bất thường về hành vi là những đặc điểm nổi bật nhất của tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây hội chứng Catatonia

Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân gây hội chứng Catatonia. Hội chứng Catatonia có thể là hậu quả thứ phát của một căn bệnh khác. Catatonia có thể gặp trong các nhóm bệnh lí sau :

Bệnh lí tâm thần

  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Rối loạn trầm cảm
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD)
  • Rối loạn stress sau sang chấn
  • Tự kỷ…

Các bệnh lí khác

  • Bệnh lí thần kinh: Chấn thương sọ não, viêm não, viêm màng não …
  • Rối loạn chuyển hóa, rối loạn tự miễn
  • Bệnh lí truyền nhiễm
  • Sử dụng ma túy và rượu
Hội chứng Catatonia: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.

Hội chứng Catatonia có thể là hậu quả thứ phát của một căn bệnh khác như: tâm thần, thần kinh, rối loạn tự miễn...

2. Triệu chứng Hội chứng Catatonia

Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Phiên bản thứ năm (DSM-5), chẩn đoán catatonia khi có ít nhất 3 trong 12 triệu chứng sau:

  1. Sững sờ
  2. Giữ nguyên dáng
  3. Tư thế uốn sáp
  4. Không nói (tức là không có hoặc rất ít phản ứng bằng lời nói [loại trừ nếu biết chứng mất ngôn ngữ]).
  5. Thái độ hoặc hành vi mang tính tiêu cực
  6. Tư thế (tức là duy trì tư thế một cách tự phát và chủ động chống lại trọng lực).
  7. Kiểu cách, điệu bộ, cử chỉ kì lạ
  8. Hành vi rập khuôn
  9. Kích động, không bị ảnh hưởng bởi các kích thích bên ngoài.
  10. Nhăn mặt.
  11. Nói lặp lại (tức là bắt chước lời nói của người khác).
  12. Nói lặp lại (tức là bắt chước các chuyển động của người khác).

Trong giai đoạn nghiêm trọng của hội chứng Catatonia, bệnh nhân có thể cần được giám sát cẩn thận để tránh tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác. Có những rủi ro tiềm ẩn từ tình trạng suy dinh dưỡng, kiệt sức, sốt cao và tự gây thương tích. Catatonia cũng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như ngã, chấn thương, mất nước, loét, thuyên tắc phổi

Catatonia gặp trong rất nhiều bệnh lí, vì vậy khi gặp bệnh nhân với các triệu chứng như trên cần phải tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị .

  • Xét nghiệm hình ảnh: Bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch não tủy
  • Kiểm tra hoạt động não: Điện não đồ (EEG) để phân tích và ghi lại hoạt động điện trong não của bạn

3. Hội chứng Catatonia có lây không?

Hội chứng này không phải là bệnh lý lây truyền

Hội chứng Catatonia: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Liệu pháp sốc điện thường được chỉ định nếu điều trị bằng thuốc không có hiệu quả cho người bệnh mắc hội chứng Catatonia.

4. Phòng ngừa hội chứng Catatonia

Hiện tại vẫn chưa có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn hội chứng Catatonia. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần duy trì lối sống khoa học bằng cách:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường
  • Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Giảm căng thẳng, stress…
  • Thường xuyên vận động thể dục thể thao
  • Tránh uống rượu và lạm dùng đồ uống chứa caffein

5. Điều trị hội chứng Catatonia

Người bệnh cần được phát hiện sớm có thể điều trị sớm và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Việc điều trị chủ yếu dựa trên điều trị triệu chứng và căn cứ vào bệnh lý đi kèm. Các biện pháp điều trị hội chứng Catatonia là:

  • Điều trị nội khoa: Thuốc chống loạn thần
  • Sốc điện (ECT): Nhằm tạo ra các cơn co giật nhỏ bên trong não, điều hòa lại các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó giảm nhẹ các triệu chứng do hội chứng căng trương lực gây ra. Liệu pháp sốc điện thường được chỉ định nếu điều trị bằng thuốc không có hiệu quả.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập luyện
Chế độ ăn cho người mắc hội chứng CatatoniaChế độ ăn cho người mắc hội chứng Catatonia

SKĐS - Hội chứng Catatonia hay còn gọi là hội chứng căng trương lực, là một rối loạn tâm thần và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển bình thường của người bệnh.


BS Nguyễn Thị Thúy Nga
Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Việt Xô
Ý kiến của bạn