Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan toả. Bệnh thường gặp hơn ở các nước đang phát triển, chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ bệnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh gặp tương đối phổ biến tại Viện Da liễu Quốc gia. Vì vậy, việc phát hiện và phòng ngừa là rất cần thiết.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do tụ cầu vàng nhóm 2 gây ra. Hầu hết các chủng gây độc của tụ cầu vàng được xác định là type 3A, 3B, 3C, 55 hoặc 71. Chúng tiết ra ngoại độc tố li giải thượng bì là Epidermolytic toxins (ETs). Bệnh có thể khu trú hoặc lan rộng, hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể do hệ thống miễn dịch, khả năng đào thải độc tố thận của trẻ chưa hoàn chỉnh. Hầu hết gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi (62% là trẻ dưới 2 tuổi, 98% trẻ dưới 6 tuổi).
Ở người lớn, bệnh rất hiếm gặp và chỉ gặp trên những người suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, ung thư giai đoạn cuối hoặc suy thận). Ở trẻ em, tỷ lệ tử vong thấp, thường dưới 5%, tuy nhiên, ở người lớn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60% do nhiễm trùng huyết hoặc do bệnh nặng có từ trước.
Bong da do tụ cầu.
Con đường lây nhiễm
Tụ cầu vàng xâm nhập qua da khi hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ (qua các vết trầy xước, viêm nhiễm trên da hay thủy đậu) rồi sản sinh độc tố tại chỗ; kháng thể kháng độc tố do người bệnh sản xuất ra có khả năng khống chế sự lan tràn của độc tố nên bệnh có tính khu trú.
Độc tố được sản xuất từ nơi xa, có thể bắt đầu từ mũi, mắt, mỏm cụt rốn, vòm họng hoặc từ một vết thương hay tình trạng nhiễm trùng như viêm phổi, viêm xương tủy, viêm nội mạc. Trường hợp người bệnh thiếu kháng thể bảo vệ là điều kiện thuận lợi cho độc tố lan nhanh trong máu qua mao mạch tới thượng bì gây nên các tổn thương bỏng rộp trên da.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy loại độc tố này không hề gắn kết với bất cứ cơ quan, bộ phận nào khác trong cơ thể. Chức năng thận có vai trò trong việc phát triển SSSS, điều đó giải thích tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn ở người lớn.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh bắt đầu từ một nhiễm trùng ở quanh hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng và các nếp kẽ bẹn, nách xuất hiện các thương tổn đỏ da, mụn nước, mụn mủ dập vỡ nhanh đóng vẩy tiết kèm theo bệnh nhân mệt mỏi, sốt. Sau 24-48h, da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau. Trên bề mặt da xuất hiện các bọng nước mềm, rất nông, không rõ ranh giới, dễ trợt, đôi khi các bọng nước này liên kết với nhau thành mảng rộng, sau đó trợt ra, bong vẩy mỏng như giấy cuốn thuốc lá, để lại nền da đỏ ẩm. Dấu hiệu Nilcoskie dương tính. Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh tiến triển trong vòng 5-7 ngày, các thương tổn khô lại, bong vẩy da và khỏi.
Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải hoặc các rối loạn khác.
Biến chứng có thể gặp ở trẻ nhỏ, có thể tử vong do mất lớp da bảo vệ, hạ nhiệt độ, mất nước, nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng lan tỏa, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trẻ em thường dưới 5%.
Ở người lớn, tiến triển bệnh phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của người bệnh, mức độ nhanh chóng khi điều trị và sự xuất hiện các biến chứng. Tỷ lệ tử vong ở người lớn có thể lên đến 60%, chủ yếu do các bệnh mạn tính kèm theo như suy thận, suy giảm miễn dịch hay bệnh ác tính.
Chẩn đoán xác định bệnh
Chẩn đoán xác định dựa vào nuôi cấy tìm thấy tụ cầu vàng. Do việc nuôi cấy vi khuẩn thường âm tính nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, hơn nữa, bệnh tiến triển cấp tính nên đòi hỏi người thầy thuốc phải có kinh nghiệm, thái độ xử trí nhanh. Cần chẩn đoán phân biệt với dị ứng thuốc, hội chứng Lyell, viêm da do liên cầu.
Ðể hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh viêm da tụ cầu, phụ huynh nên lưu ý trong cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ hàng ngày như sau: thường xuyên vệ sinh cá nhân bằng cách tắm, rửa với nước sạch hàng ngày, đặc biệt là những trẻ có cân nặng vượt trội, có nhiều nếp kẽ nếp gấp chứa nhiều mồ hôi, bã nhờn. Vệ sinh miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý trước và sau khi ăn cũng như trước và sau khi ngủ dậy. Không để trẻ tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, ô nhiễm. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua sữa mẹ đủ dinh dưỡng, nhiều vitamin C, B1... Vi khuẩn tụ cầu không chỉ gây viêm da mà còn gây một số bệnh khác như áp-xe phổi, viêm tủy xương, viêm tĩnh mạch xoang hang, viêm nội tâm mạc, viêm màng não mủ..., vì thế, phụ huynh nên lưu tâm đến những dấu hiệu bất thường của trẻ như đã kể trên, thực hiện điều trị và chăm sóc trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.