Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

14-05-2021 14:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một loại rối loạn tiểu tiện, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, được xác định bằng tình trạng xuất hiện cảm giác buồn đi tiểu đột ngột, thường xuyên và khó kiểm soát, dẫn tới tình trạng tiểu dắt, tiểu són ở trẻ em.

Ở trẻ nhỏ, khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến điểm mốc, bàng quang sẽ tự động xả nước tiểu. Ở những trẻ lớn, khi hệ thống thần kinh hoàn thiện, não bắt đầu nhận tín hiệu khi bàng quang đầy và gửi tín hiệu không cho tự động làm rỗng bàng quang cho tới khi trẻ đi tiểu. Phần lớn trẻ em có thể kiểm soát được cơ bàng quang sau 3 tuổi, tuy nhiên độ tuổi này cũng khác nhau ở từng trẻ. Khoảng hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể kiểm soát quá trình đi tiểu trong ngày. Vì thế nếu trẻ ở độ tuổi này có dấu hiệu tiểu bất thường, cha mẹ cần lưu ý.

Dấu hiệu nào cảnh báo cho cha mẹ?

Triệu chứng phổ biến của hội chứng bàng quang tăng hoạt là trẻ vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn so với bình thường. Một đứa trẻ bình thường vào nhà vệ sinh khoảng 4-5 lần/ngày. Với bệnh nhân OAB, bàng quang có thể bị kích thích dẫn tới trẻ muốn đi tiểu nhiều hơn, mặc dù bàng quang chưa đầy.

Một bệnh nhân OAB thường có những dấu hiệu và triệu chứng sau: Trẻ đột nhiên đi tiểu mỗi 10 đến 30 phút, tần suất khoảng 30-40 lần/ngày; Trẻ chỉ tiểu được một lượng nhỏ nước tiểu mỗi lần đi vệ sinh; Không đau khi đi tiểu; Trẻ không tiểu ra quần trong ngày; Trẻ không uống nhiều nước hơn bình thường; Các triệu chứng không xảy ra khi đi ngủ.

Do nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới OAB. Trong đó đi tiểu thường xuyên thường phản ánh tình trạng căng thẳng về cảm xúc. Nó có nghĩa là con của bạn đang phải chịu áp lực. Các triệu chứng là không tự chủ, không có ý định. Tần suất đi tiểu của trẻ có thể tăng lên sau 1-2 ngày sau khi xảy ra vấn đề gây căng thẳng, hoặc thay đổi cuộc sống bình thường của trẻ. Mặc dù nguyên nhân thực thể hiếm gặp, đứa trẻ nên được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân. Một số trẻ cố tình nhịn tiểu, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng làm rỗng bàng quang. Nếu kéo dài thói quen này có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, tăng tần suất đi tiểu hoặc tổn thương thận.

Nhìn chung, đây là một tình trạng không có tổn thương thực thể ở hệ tiết niệu và thường tự trở lại bình thường. Nếu bạn có thể xác định và giải quyết các vấn đề đang khiến con bạn căng thẳng, tình trạng này có thể biến mất sau 1-4 tuần. Nếu không điều trị, các triệu chứng thường sẽ cải thiện tốt lên sau khoảng 2-3 tháng.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ emẢnh minh họa

Chúng ta nên giúp trẻ thế nào?

Trước hết nên trấn an rằng thể chất con bạn là bình thường: Nói với trẻ rằng cơ thể trẻ bình thường, trẻ không phải lo lắng về vấn đề đó. Bởi vì khi gia đình (và có thể là cả nhân viên y tế) quan tâm tới bàng quang và nước tiểu của trẻ, đứa trẻ sẽ lo lắng có sự bất thường ở hệ tiết niệu của mình.

Giúp trẻ thư giãn: Chắc chắn rằng con bạn có thời gian thư giãn và vui chơi mỗi ngày. Những bài tập thư giãn có thể hiệu quả đối với những trẻ trên 8 tuổi. Cố gắng loại bỏ các vấn đề gây nên tình trạng stress ở trẻ.

Tập luyện bàng quang nghĩa là bám vào lịch đi tiểu của trẻ và cố gắng đi tiểu cho dù nó có buồn tiểu hay không. Lên lịch trình cho trẻ vào nhà vệ sinh sau mỗi 2-3 giờ. Phương pháp này tốt cho những trẻ có thói quen vào nhà vệ sinh thường xuyên nhưng không phải lúc nào cũng đi tiểu.

Các biện pháp khác:

Xử trí táo bón nếu trẻ có. Cho trẻ ăn chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và tập thói quen đại tiện cho trẻ.

Hạn chế thức uống và đồ ăn chứa caffein vì gây kích thích bàng quang.

Tạo sự khích lệ cho trẻ bằng những lời khen, phần quà khi trẻ phối hợp tốt.

Cha mẹ cần đưa con bạn đi gặp bác sĩ khi:

Tần suất đi tiểu không trở lại bình thường sau khi bạn tiến hành những khuyến cáo trên trong 1 tháng;  Trẻ thấy đau và buốt khi đi tiểu; Trẻ bắt đầu tiểu ướt quần vào ban ngày; Trẻ bắt đầu uống lượng nước nhiều hơn nhu cầu bình thường; Bạn lo lắng hoặc có những thắc mắc khác đối với những vấn đề của trẻ.


ThS.BS.Nguyễn Sỹ Đức (BV Đại học Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn