Hội chứng bàng quang kích thích là gì?
Bàng quang kích thích là khi bàng quang co bóp vào những thời điểm không thích hợp và gây ra cảm giác muốn đi tiểu đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và nếu nhịn tiểu dễ bị són tiểu. Đôi khi kèm theo bàng quang bị viêm do nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Bệnh này có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ và thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ có tuổi. Uớc tính gần 15% dân số thế giới bị bệnh viêm bàng quang kích thích, nữ giới bị nhiều hơn nam giới.
Hội chứng bàng quang kích thích không gây nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân trẻ tuổi, có thể bị ảnh hưởng tâm lý, suy giảm tinh thần khi bị bệnh này.
Rất nhiều người đang mắc Hội chứng bàng quang kích thích. Tuy nhiên, hơn 50% bệnh nhân phải âm thầm chịu đựng tình trạng này hàng tháng vì xấu hổ, e ngại không muốn đến bệnh viện điều trị.
Nguyên nhân gây ra Hội chứng bàng quang kích thích
Hội chứng bàng quang kích thích do nhiều nguyên nhân khiến cơ bàng quang co thắt quá mức và mất phối hợp giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo:
- Rối loạn thần kinh như trong bệnh Parkinson, đột quỵ, chấn thương tủy sống, đái tháo đường…;
- Bất thường trong bàng quang: khối u hoặc sỏi bàng quang;
- Các yếu tố cản trở dòng chảy của bàng quang: u tuyến tiền liệt hoặc các tác động điều trị vùng khung chậu;
- Uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn.
Ngoài ra, sự ứ đọng nước tiểu nếu vệ sinh cá nhân không tốt (vệ sinh hàng ngày, vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục…) hoặc hệ tiết niệu, điển hình là bàng quang bị mắc một số bệnh (sỏi, polyp, dị dạng bàng quang bẩm sinh…) hoặc do viêm nhiễm niệu đạo (lậu, Chlamydia, Mycoplassma…) lan ngược dòng lên bàng quang gây viêm làm ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang gây kích thích…
Triệu chứng Hội chứng bàng quang kích thích
Hội chứng bàng quang kích thích biểu hiện:
Tiểu nhiều: Người bệnh có tần suất đi tiểu trên 8 lần/ngày mặc dù hạn chế lượng nước uống.
Tiểu gấp, tiểu không tự chủ: Rối loạn chức năng co bóp khiến các cơ bàng quang bắt đầu co bóp khi nước tiểu tích tụ trong bàng quang, làm bệnh nhân cảm thấy cần đi tiểu gấp.
Tiểu đêm: Đây là đặc trưng của hội chứng này, thường biểu hiện bằng tình trạng tiểu đêm nhiều hơn 2 lần/đêm, làm bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, stress.
Ai dễ mắc Hội chứng bàng quang kích thích?
Các yếu tố nguy cơ của Hội chứng bàng quang kích thích:
- Người lớn tuổi;
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
- Người béo phì, người đã từng phẫu thuật ở vùng chậu, phẫu thuật tiền liệt tuyến;
- Mắc các bệnh lý thần kinh: Bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não...;
- Mắc các bệnh đường tiết niệu: Sỏi bàng quang...;
- Mang thai nhiều lần…
Lời khuyên bác sĩ
Vì nguyên nhân chính của Hội chứng bàng quang kích thích là do cơ bàng quang bị suy yếu khiến bàng quang co bóp bất thường nên cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này là tăng cường sức khỏe của các cơ bàng quang. Chính vì thế bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị:
Cho thuốc chống co thắt cơ trơn: Nên lựa chọn các loại kháng sinh dựa trên kết quả kháng sinh đồ;
Nên rèn luyện cơ vùng chậu (xoa bụng dưới, co duỗi chân, yoga, bài Kegel vận động toàn thân…). Phương pháp này hiệu quả và không có tác dụng phụ nên là lựa chọn hàng đầu để điều trị Hội chứng bàng quang kích thích.
Chữa trị khỏi các bệnh liên quan đến các bệnh đường tiết niệu: Sỏi bàng quang…
Cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế đồ cay, và đồ uống kích thích bàng quang như cà phê, chè, rượu, bia…
Giảm cân nếu thừa cân.
Nên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày.
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu là để cải thiện lượng nước tiểu được chứa trong bàng quang.