Hà Nội

Hội chứng "bài vắc xin" và những bài học đắt giá của thế giới

08-07-2014 09:39 | Quốc tế
google news

Ảnh hưởng của một số thông tin mập mờ như vậy đã khiến mức độ sợ hãi đối với vắc xin tăng cao.

Thế giới đã từng phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng do quan niệm sai lầm về tiêm chủng phòng bệnh. Đến nay, đã có rất nhiều quốc gia buộc phải ra luật tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Luật tiêm chủng ở các quốc gia tiên tiến là hệ quả của hàng loạt những quan niệm sai lầm trong việc sử dụng vắc xin trên thế giới. Suốt một thời gian dài trước đây, ở một số quốc gia, vắc xin bị tẩy chay vì vô số các lý do, từ tôn giáo cho đến các vấn đề xã hội khác.

Điển hình nhất là phong trào "bài vắc xin" trong những thập kỷ trước. Đây là một xu hướng không hợp lý khi ngờ vực độ tin cậy của tiêm chủng và thường đổ lỗi cho vắc xin vì gây ra một số loại bệnh phổ biến của trẻ em.

Đã có nhiều cuộc tranh luận khắp nơi về tính an toàn của vắc xin, cụ thể là tác dụng phụ của nó gây nguy cơ bệnh tật và tử vong cho một nhóm dân số. Vắc xin đã bị cáo buộc gây ra hầu hết các loại bệnh, trong đó có cả bệnh tự kỷ. Một số nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu về mối liên hệ giữa vắc xin và bệnh tự kỷ, tuy nhiên nó không được công bố rộng rãi. Nhưng do ảnh hưởng của một số thông tin mập mờ như vậy đã khiến mức độ sợ hãi đối với vắc xin tăng cao.

Hậu quả của việc "bài vắc xin" là khó lường

Vào tháng 8/2013, đã có một đợt bùng phát bệnh sởi tại bang Texas. Một nhà thờ thuộc Giáo hội Quốc tế Eagle Mountain quyết định bài trừ việc tiêm vắc xin do những nghi ngờ có liên quan đến bệnh tự kỷ.

Sau đó, một thành viên của nhà thờ đã đến Indonesia và mang bệnh sởi về khu vực này. Bệnh sởi nhanh chóng lây lan tới tất cả các hội viên. Đã có 21 người bị mắc bệnh. Dù không có ca tử vong nào, tuy nhiên, nhà thờ đã quyết định thay đổi lập trường và tuyên truyền vận động tiêm chủng trở lại cho thành viên của họ.

Theo tờ The Daily Beast (Mỹ), tại Afghanistan, Pakistan và Nigeria vẫn còn trường hợp bị bại liệt vì rất nhiều người ở các quốc gia này từ chối chủng ngừa. Họ cho rằng tiêm vắc xin là một âm mưu của Mỹ nhằm giết chết hoặc khử trùng việc lây lan AIDS.

Một luật sư ở Pakistan từng công bố trong năm 2012 rằng: "Những loại vắc xin đó là để phá hủy đất nước chúng ta... Các loại vắc xin chống bại liệt làm giảm hóc môn nam tính, làm phụ nữ phấn khích hơn…”. Thực tế đã trở nên rất tồi tệ: Tiêm chủng bại liệt đã bị bài trừ hoàn toàn ở Pakistan và các nơi khác, dù rằng mục đích của nó là để cố gắng cứu sống người dân.

  • Một tấm áp phích bài trừ loại vắc xin chống cúm A H1N1 ở Mỹ.

Câu chuyện chống lại vắc xin ở Mỹ và Tây Âu còn phức tạp hơn nhiều, khi nó không chỉ xuất phát từ những ngờ vực về tác dụng đối với sức khỏe mà còn từ những vấn đề xã hội khác. Thậm chí, với bất kỳ niềm tin tôn giáo nào có vẻ hợp lý để lý giải cho việc chống vắc xin mà không cần bằng chứng, việc bài vắc xin đều được phóng đại và trở thành một cuộc chiến giữa giới chuyên môn và dư luận.

Tại Mỹ, trong năm 2008, 1/20 số trẻ em mắc bệnh sởi đã có những biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, tỷ lệ biến chứng của trẻ tiêm vắc xin sởi chỉ là một phần triệu, theo số liệu của Viện Vắc xin an toàn của Đại học John Hopkins.

Trong giai đoạn 1997 – 2000, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhất thế giới và thường xuyên bị đưa vào Mỹ thông qua du lịch hoặc nhập cư. Tỷ lệ mắc bệnh của những người không được miễn dịch là 90% nếu họ tiếp xúc với vi-rút.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người tử vong do sởi gần 900.000 trường hợp xảy ra trong năm 1999, chủ yếu ở các nước phát triển. Nếu không tiêm phòng, con số này có thể lên đến 2,7 triệu người trên toàn thế giới.

Ở Mỹ, việc sử dụng rộng rãi vắc xin sởi đã giúp giảm 99% ca mắc bệnh so với trước khi đến thời đại vắc xin. Nếu chúng ta dừng việc tiêm phòng, bệnh sởi sẽ tăng lên ở mức so với thời đại trước vắc xin.

Luật buộc phải tiêm phòng cho trẻ em

Croatia mới đây vừa ban hành một luật định, trong đó bắt buộc các bà mẹ phải tiêm phòng đầy đủ cho con của mình. Luật này thậm chí còn có cả một khẩu hiệu đi kèm, “Quyền của trẻ em đối với sức khỏe cao hơn quyền lựa chọn của bố mẹ”.

Với điều luật này, tất cả các trẻ em Croatia phải được chủng ngừa. Quốc gia này cũng đã thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho hệ thống y tế công cộng hiện đại của mình. Croatia thậm chí còn đi trước cả Mỹ và các nước tiên tiến Tây Âu trong lĩnh vực này.

Một thực tế nhận thấy rằng, phòng ngừa bệnh tật giúp các gia đình tiết kiệm những khoản chi không nhỏ cho y tế. Tiêm phòng đã cứu được nhiều người hơn hẳn so với việc dùng kháng sinh. Tiêm chủng là thành tựu y học tốt nhất mọi thời đại, mặc dù nó vẫn có những rủi ro nhất định. Trong các xã hội phương Tây, những bệnh được cho là đã bị loại bỏ như sởi, ho gà, quai bị… thi thoảng vẫn xuất hiện, dẫn đến một số trẻ em tử vong.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà dẫn đến cuộc tranh luận không thực tế khi so sánh nguy cơ mắc bệnh sau tiêm phòng và khả năng không có bệnh khi không tiêm phòng. Phòng chống có hiệu quả cũng vẫn phải có mặt trái của nó.

 

 


Ý kiến của bạn